[KTQT-Phần 2: Chi phí] Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí

Phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí


Cách phân loại này đo lường chi phí theo mức độ hoạt động (số lượng sản phẩm sản xuất ra, số giờ máy sử dụng…). Việc xem xét chi phí sẽ thay đổi như thế nào khi mức độ hoạt động thay đổi gọi là sự ứng xử của chi phí.

Việc hiểu rõ cách thức ứng xử của chi phí là chìa khóa để ra quyết định, nếu nắm được những biến đổi của chi phí thì nhà quản trị có khả năng tốt hơn trong việc dự đoán chi phí cho các tình huống khác nhau sẽ thực hiện trong tương lai.

Dựa trên cách thức ứng xử của chi phí đối với sự thay đổi của mức độ hoạt động có thể chia toàn bộ chi phí thành ba loại:

  • Biến phí (variable cost)
  • Định phí (fixed cost)
  • Chi phí hỗn hợp (semi-variable cost)

 

Doanh nghiệp khác nhau thì tỷ trọng của từng loại chi phí trong tổng chi phí cũng khác nhau.

1. Biến phí

Biến phí là những chi phí mà giá trị của nó sẽ tăng, giảm theo sự tăng giảm về mức độ hoạt động. Tổng số của biến phí sẽ tăng khi mức độ hoạt động tăng và ngược lại. Tuy nhiên, nếu tính trên 01 đơn vị của mức độ hoạt động thì biến phí không thay đổi trong phạm vi nhất định. Biến phí chỉ phát sinh khi có hoạt động.

Chi phí thành phần Nội dung
Biến phí tuyến tính Biến phí tuyến định là những biến phí có sự biến động cùng tỷ lệ với mức độ hoạt động.
Biến phí cấp bậc Biến phí cấp bậc là những chi phí biến động không liên tục so với sự biến động liên tục của mức độ hoạt động. Mức hoạt động phải đạt đến một mức độ nào đó mới dẫn đến sự biến động về chi phí.
Biến phí phi tuyến tính Những chi phí không có mối quan hệ tuyến tính với mức độ hoạt động. Theo đó, mối quan hệ này có thể được biểu diễn bằng đường cong phức tạp.
2. Định phí

Định phí là những chi phí mà tổng số của nó không thay đổi khi mức độ hoạt động thay đổi. Vì tổng định phí không thay đổi nên khi mức độ hoạt động tăng thì phần định phí tính trên một đơn vị hoạt động sẽ giảm đi và ngược lại.

Định phí có thể chia thành hai loại:

Chi phí thành phần Nội dung
Định phí bắt buộc Những chi phí liên quan đến máy móc thiết bị, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, chi phí Ban quản lý, chi phí lương nhân sự văn phòng,…

Những chi phí này có đặc điểm:

-       Có bản chất lâu dài: ví dụ như tài sản cố định (nhà xưởng…) thì nó sẽ liên quan đến việc kinh doanh của đơn vị trong nhiều năm

-       Không thể cắt giảm bằng 0, cho dù mức độ hoạt động giảm xuống hoặc khi gián đoạn sản xuất.

Định phí không bắt buộc Những chi phí có thể thay đổi trong từng kỳ dự toán của doanh nghiệp, do hành động của nhà quản trị quyết định khối lượng định phí này trong từng thời kỳ kinh doanh. Ví dụ như chi phí quảng cáo, đào tạo, nghiên cứu…

Định phí không bắt buộc có đặc điểm:

-       Có bản chất ngắn hạn

-       Có thể giảm chúng trong những trường hợp cần thiết.

3. Chi phí hỗn hợp

Loại chi phí này cũng chiếm một tỷ lệ cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Chi phí hỗn hợp là chi phí mà thành phần của nó bao gồm cả yếu tố bất biến (định phí) và yếu tố khả biến (biến phí). Ở mức độ hoạt động bình thường, chi phí hỗn hợp thường thể hiện các đặc điểm của định phí; ở mức độ hoạt động vượt mức thì nó thể hiện đặc điểm của biến phí. Sự pha trộn giữa thành phần bất biến và khả biến có thể thay đổi theo tỷ lệ nhất định.

Các phương pháp phân tích các chi phí hỗn hợp thành yếu tố bất biến (định phí) và khả biến (biến phí):

Phương pháp phân tích chi phí hỗn hợp Nội dung
Phương pháp cực đại, cực tiểu -       Quan sát chi phí phát sinh ở cả mức độ hoạt động cao nhất và thấp nhất trong phạm vi phù hợp

-       Biến phí đơn vị hoạt động:

Biến phí đơn vị hoạt động = (Chi phí ở mức độ hoạt động cao nhất-Chi phí ở mức độ hoạt động thấp nhất)/(Mức độ hoạt động cao nhất-Mức độ hoạt động thấp nhất)

-       Định phí = Tổng chi phí ở mức cao nhất (thấp nhất) – (Mức khối lượng cao nhất (thấp nhất) x biến phí đơn vị)

Phương pháp đồ thị phân tán -       Phải có số liệu về mức độ hoạt động đã được thống kê qua các thời kỳ của hoạt động kinh doanh và cuối cùng đi đến xây dựng phương trình hoặc mô hình dự đoán về chi phí hỗn hợp như: y = ax + b.

-       Phương pháp đồ thị phân tán là phương pháp mà việc phân tích thông qua việc sử dụng đồ thị biểu diễn tất cả các giao điểm của chi phí với mức độ hoạt động.

Phương pháp bình phương bé nhất -       Xác định phương trình biến thiên của chi phí hỗn hợp dựa trên sự tính toán của phương trình tuyến tính trong phân tích thống kê, sử dụng các số liệu chi phí đã được thu thập nhằm đưa ra phương trình có dạng: y = ax + b như phương pháp cực đại, cực tiểu và phương pháp đồ thị phân tán trình bày ở trên.

-       Khái niệm về bình phương bé nhất có nghĩa là tổng các bình phương của các độ lệch giữa các điểm với đường hồi quy là nhỏ nhất so với bất kỳ một đường biểu diễn nào khác.

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

You cannot copy content of this page

Bạn không thể sao chép nội dung này

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x