Xem thêm phần lý thuyết: [KTQT-Phần 3] Chi phí – khối lượng – lợi nhuận – một số khái niệm
1. Kết cấu hàng bán
Kết cấu hàng bán là mối quan hệ tỷ trọng giữa doanh thu của từng mặt hàng so với tổng doanh thu.
Kết cấu hàng bán có thể được sử dụng để tính tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của công ty.
Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của công ty bao gồm các tỷ lệ số dư đảm phí của tất cả các sản phẩm được tính theo kết cấu hàng bán tương ứng.
Công ty A có số liệu kinh doanh năm 2023 như sau:
Sản phẩm | X | Y | Z |
Giá bán một sản phẩm | 16 | 20 | 10 |
Biến phí một sản phẩm | 5 | 15 | 7 |
Sản lượng sản phẩm tiêu thụ | 50.000 | 10.000 | 100.000 |
Tổng định phí của Công ty A | 450.000 và không thay đổi trong năm |
Chúng ta có bảng tính số dư đảm phí bình quân sau:
Chỉ tiêu | Sản phẩm X | Sản phẩm Y | Sản phẩm Z | Công ty |
Doanh thu | 800.000
= 16 x 50.000 |
200.000
= 20 x 10.000 |
1.000.000
= 10 x 100.000 |
2.000.000 |
Kết cấu hàng bán | 40%
=800.000/2.000.000 x 100% |
10%
=200.000/2.000.000 x 100% |
50%
=1000.000/2.000.000 x 100% |
100% |
Tỷ lệ số dư đảm phí | 68,75%
= (16-5)/16 x 100% |
25%
= (20-15)/20 x 100% |
30%
= (10-7)/10 x 100% |
|
Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của Công ty | 45% = (40% x 68,75%) + (10% x 25%) + (50% x 30%) | 45% |
Ảnh hưởng của kết cấu hàng bán đến lợi nhuận và doanh thu hòa vốn thông qua tỷ lệ số dư đảm phí của từng mặt hàng khác nhau. Nếu trong quá trình sản xuất kinh doanh tăng tỷ trọng doanh thu của những mặt hàng có tỷ lệ số dư đảm phí lớn, giảm tỷ trọng những mặt hàng có số dư đảm phí nhỏ thì tỷ lệ số dư đảm phí bình quân sẽ tăng lên, do đó lợi nhuận tăng, doanh thu hòa vốn của doanh nghiệp sẽ giảm đi và từ đó độ an toàn trong kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên và ngược lại.
2. Phân tích điểm hòa vốn trong mối quan hệ với kết cấu hàng bán
Mỗi mặt hàng tiêu thụ có biến phí đơn vị, giá bán khác nhau sẽ cho tỷ lệ số dư đảm phí khác nhau. Khi doanh nghiệp bán nhiều mặt hàng khác nhau mà kết cấu hàng bán thay đổi giữa các kỳ phân tích thì điểm hòa vốn cũng sẽ thay đổi.
Vì vậy, khi xác định điểm hòa vốn trong mối quan hệ với kết cấu hàng bán thì kết cấu hàng bán phải được xác định trước và giả định rằng kết cấu hàng bán này được duy trì ổn định không thay đổi. Để tính sản lượng hòa vốn của từng mặt hàng theo kết cấu hàng bán đã xác định trước, thực hiện các bước sau:
Bước 1: Xác định doanh thu hòa vốn của toàn công ty theo công thức sau:
Doanh thu hòa vốn = Tổng định phí / Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân
Bước 2: Xác định doanh thu hòa vốn của từng sản phẩm bằng cách phân bổ doanh thu hòa vốn của công ty cho từng sản phẩm theo kết cấu hàng bán tương ứng của chúng
Bước 3: Xác định sản lượng hòa vốn của từng loại sản phẩm bằng cách lấy doanh thu hòa vốn của từng sản phẩm chia ngược lại cho giá bán của sản phẩm đó.
Công ty A có số liệu kinh doanh năm 2023 như sau:
Sản phẩm | X | Y | Z |
Giá bán một sản phẩm | 16 | 20 | 10 |
Biến phí một sản phẩm | 5 | 15 | 7 |
Sản lượng sản phẩm tiêu thụ | 50.000 | 10.000 | 100.000 |
Tổng định phí của Công ty A | 450.000 và không thay đổi trong năm |
Chúng ta có bảng tính như sau:
Chỉ tiêu | Sản phẩm X | Sản phẩm Y | Sản phẩm Z | Công ty |
Doanh thu | 800.000
= 16 x 50.000 |
200.000
= 20 x 10.000 |
1.000.000
= 10 x 100.000 |
2.000.000 |
Kết cấu hàng bán | 40%
=800.000/2.000.000 x 100% |
10%
=200.000/2.000.000 x 100% |
50%
=1000.000/2.000.000 x 100% |
100% |
Tỷ lệ số dư đảm phí | 68,75%
= (16-5)/16 x 100% |
25%
= (20-15)/20 x 100% |
30%
= (10-7)/10 x 100% |
|
Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của Công ty | 45% = (40% x 68,75%) + (10% x 25%) + (50% x 30%) | 45% |
Bước 1: Xác định doanh thu hòa vốn của Công ty A:
Doanh thu hòa vốn của công ty A = Tổng định phí / Tỷ lệ số dư đảm phí bình quân = 450.000/45% = 1.000.000
Bước 2: Xác định doanh thu hòa vốn của từng sản phẩm bằng cách phân bổ doanh thu hòa vốn của công ty cho từng sản phẩm theo kết cấu hàng bán tương ứng của chúng
Doanh thu hòa vốn của sản phẩm X = Doanh thu hòa vốn của công ty x kết cấu hàng bán của sản phẩm X = 1.000.000 x 40% = 400.000
Doanh thu hòa vốn của sản phẩm Y = Doanh thu hòa vốn của công ty x kết cấu hàng bán của sản phẩm Y = 1.000.000 x 10% = 100.000
Doanh thu hòa vốn của sản phẩm Z = Doanh thu hòa vốn của công ty x kết cấu hàng bán của sản phẩm Z = 1.000.000 x 50% =
500.000
Bước 3: Xác định sản lượng hòa vốn của từng loại sản phẩm bằng cách lấy doanh thu hòa vốn của từng sản phẩm chia ngược lại cho giá bán của sản phẩm đó.
Sản lượng hòa vốn của sản phẩm X = Doanh thu hòa vốn của sản phẩm X / giá bán của X = 400.000/16= 25.000
Sản lượng hòa vốn của sản phẩm Y = Doanh thu hòa vốn của sản phẩm Y / giá bán của Y= 100.000/20= 5.000
Sản lượng hòa vốn của sản phẩm Z = Doanh thu hòa vốn của sản phẩm Z / giá bán của Z= 500.000/10= 50.000
Công ty A có số liệu kinh doanh năm 2023 như sau:
Sản phẩm | X | Y | Z |
Giá bán một sản phẩm | 16 | 20 | 10 |
Biến phí một sản phẩm | 5 | 15 | 7 |
Sản lượng sản phẩm tiêu thụ | 50.000 | 10.000 | 100.000 |
Tổng định phí của Công ty A | 450.000 và không thay đổi trong năm |
Chúng ta có bảng tính như sau:
Chỉ tiêu | Sản phẩm X | Sản phẩm Y | Sản phẩm Z | Toàn công ty A | ||||
Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | |
Doanh thu | 800.000 | 100% | 200.000 | 100% | 1.000.000 | 100% | 2.000.000 | 100% |
(-) Biến phí | 250.000
=5 x 50.000 |
31,25% | 150.000
=15 x 10.000 |
75% | 700.000
=7 x 100.000 |
70% | 1.100.000 | 55% |
Số dư đảm phí | 550.000 | 68,75% | 50.000 | 25% | 300.000 | 30% | 900.000 | 45% |
(-) Định phí | 450.000 | |||||||
Lợi nhuận | 450.000 |
Lợi nhuận của công ty A = 450.000
Doanh thu hòa vốn của công ty A = 1.000.000
Số dư an toàn của công ty: 2.000.000 – 1.000.000 = 1.000.000
Giả sử, kết cấu hàng bán của các sản phẩm thay đổi như sau và chúng ta có bảng tính:
Chỉ tiêu | Sản phẩm X | Sản phẩm Y | Sản phẩm Z | Toàn công ty A | ||||
Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | Số tiền | Tỷ lệ | |
Kết cấu hàng bán (thay đổi) | 60% | 10% | 30% | 100% | ||||
Doanh thu | 1.200.000
= 60% x 2.000.000 |
100% | 200.000
= 10% x 2.000.000 |
100% | 600.000
= 30% x 2.000.000 |
100% | 2.000.000 | 100% |
(-) Biến phí | 375.000
= 31,25% x 1.200.000 |
31,25% | 150.000
=75% x 200.000 |
75% | 420.000
=70% x 600.000 |
70% | 945.000 | 47,25% |
Số dư đảm phí | 825.000 | 68,75% | 50.000 | 25% | 180.000 | 30% | 1.055.000 | 52,75% |
(-) Định phí | 450.000 | |||||||
Lợi nhuận | 605.000 |
Lợi nhuận của công ty A = 605.000
Doanh thu hòa vốn của công ty A = 450.000/52,75% = 853.081
Số dư an toàn của công ty: 2.000.000 – 853.081 = 1.146.919
Như vậy, công ty A đã thay đổi kết cấu bán hàng, mà cụ thể là tăng tỷ trọng doanh thu sản phẩm X từ 40% lên 60% và giảm tỷ trọng doanh thu sản phẩm Z từ 50% còn 30%, theo hướng tăng tỷ trọng doanh thu của sản phẩm có tỷ lệ số dư đảm phí lớn, làm cho tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của công ty tăng từ 7,75% (tăng từ 45% lên 52,75%), nên lợi nhuận của công ty tăng thêm 155.000 (từ mức 450.000 lên 605.000).
Ngoài ra, do tỷ lệ số dư đảm phí bình quân của công ty tăng lên nên doanh thu hòa vốn của công ty giảm và số dư an toàn tăng lên.