1. Tìm hiểu chung về chuẩn mực kế toán quốc tế
- IAS: International Accounting Standard/Chuẩn mực kế toán quốc tế
- IFRS: International Financial Reporting Standard/Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế
- IASB: International Accounting Standard Board/Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế
IAS và IFRS đều được soạn thảo bởi IASB. Trước năm 2003, các chuẩn mực kế toán quốc tế được công bố với tên gọi IAS. Sau năm 2003, các chuẩn mực kế toán mới ra đời được công bố với tên gọi IFRS.
Hiện tại, Chuẩn mực kế toán quốc tế có tổng cộng 41 IAS và 16 IFRS. IASB quy tụ nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đến từ nhiều quốc gia và đọc hiểu Báo cáo tài chính trên nhiều khía cạnh: người lập báo cáo tài chính, nhà quản lý, người sử dụng báo cáo tài chính và những học giả uy tín. Quy trình soạn thảo và công bố của IAS/IFRS diễn ra rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và mang tính thực hành cao.
IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu. Kết quả thống kê của IFRS.org chỉ ra đến tháng 04/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong số 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Phần lớn trong nhóm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đã cho phép hoặc đang trong lộ trình triển khai áp dụng IFRS. Chỉ còn 7 quốc gia trong đó có Việt Nam vẫn sử dụng chuẩn mực tế toán riêng.
Việt Nam vẫn đang sử dụng chuẩn mực kế toán riêng (VAS). Tuy nhiên, sự ra đời thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 nhằm giảm thiểu sự khác biệt giữa VAS và IFRS/IAS.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng lộ trình triển khai áp dụng IFRS với 02 giai đoạn: (1) Giai đoạn tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025 và (2) Giai đoạn bắt buộc: sau năm 2025.
Xem thêm lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam
2. Những điểm khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS
a. Hình thức
- VAS bắt buộc về hình thức: hệ thống tài khoản, biểu mẫu báo cáo, hình thức sổ kế toán
- IFRS/IAS không áp đặt về hình thức: IFRS/IAS không quy định về các biểu mẫu kế toán và các doanh nghiệp sử dụng IFRS/IAS đều được tự do sử dụng hệ thống tài khoản cũng như biểu mẫu kế toán phù hợp và thuận lợi với đặc thù của doạnh nghiệp.
- IFRS/IAS còn đưa ra bộ khung khái niệm và giữa các chuẩn mực đều có tính thống nhất rất cao. VAS còn nhiều vấn đề chưa được đề cập, thiếu bộ khung khái niệm cũng như tính thống nhất giữa các chuẩn mực.
b. Hệ thống tài khoản
- IFRS/IAS chỉ quy định về hình thức của các báo cáo tài chính theo IAS 1 mà không quy định về hệ thống tài khoản kế toán.
- Doanh nghiệp được phép tự tạo ra hệ thống tài khoản kế toán để phù hợp hơn với yêu cầu báo cáo tài chính cũng như báo cáo quản trị.
c. Nội dung khác biệt cơ bản
Chỉ tiêu | VAS | IFRS |
Ghi nhận các yếu tố của báo cáo tài chính | – Không đề cập cụ thể đến phương pháp định giá. Việc ghi nhận chủ yếu căn cứ vào giá gốc – Chưa ban hành chuẩn mực về đo lường giá trị hợp lý – Xác định các khoản mục tối thiểu cho các báo cáo trong chuẩn mực, nhưng lại quy định cụ thể, chi tiết trong văn bản hướng dẫn chuẩn mực |
IFRS đưa ra một số phương pháp định giá có thể sử dụng, bao gồm: giá gốc; giá hiện hành; giá trị có thể thực hiện; hiện giá. – Ban hành IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý – Xác định các khoản mục tối thiểu cho các báo cáo |
Vốn và bảo tồn vốn | Không đề cập vấn đề này | Khái niệm về bảo tồn vốn là cầu nối giữa khái niệm vốn và khái niệm lợi nhuận bởi vì nó chỉ ra điểm xuất phát của việc xác định lợi nhuận |
Kỳ báo cáo | Việc lập báo cáo tài chính cho một niên độ kế toán không được vượt quá 15 tháng | Trong một số trường hợp, Doanh nghiệp có thể lập báo cáo cho giai đoạn 52 tuần |
Hệ thống báo cáo tài chính | Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm: – Báo cáo tình hình tài chính – Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ – Thuyết minh báo cáo tài chính Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu được trình bày trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính |
Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp gồm: – Báo cáo tình hình tài chính – Báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ – Thuyết minh báo cáo tài chính – Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu |
d. Các chuẩn mực kế toán cơ bản
- VAS 21 và IAS 1: VAS quy định báo cáo tài chính không bắt buộc phải có báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu như chuẩn mực IAS 1.
- VAS 3 chỉ cho phép đánh giá lại tài sản cố định là bất động sản, nhà xưởng và thiết bị trong trường hợp có quyết định của Nhà nước, đưa tài sản đi góp vốn liên doanh, liên kết, chia tách, sáp nhập doanh nghiệp và không được ghi nhận phần tổn thất tài sản hàng năm. Trong khi đó, theo IAS 16, doanh nghiệp được phép đánh giá lại tài sản theo giá thị trường và được xác định phần tổn thất tài sản hàng năm, đồng thời được ghi nhận phần tổn thất này theo quy định tại IAS 36.
- VAS 11 quy định lợi thế thương mại được phân bổ dần trong thời gian không quá 10 năm kể từ ngày mua trong giao dịch hợp nhất kinh doanh. Trong khi đó, IFRS 3 quy định doanh nghiệp phải đánh giá giá trị lợi thế thương mại tổn thất.
- VAS hiện chưa có quy định cho phép tài sản và nợ phải trả được đánh giá lại theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo.
Tài sản/Nợ phải trả | Theo VAS | Theo IFRS |
Công cụ tài chính (gồm cả chứng khoán và công cụ phái sinh) nắm giữ vì mục đích kinh doanh | Giá gốc | Giá trị hợp lý |
Công cụ tài chính phái sinh nắm giữ vì mục đích phòng ngừa rủi ro giá trị hợp lý hoặc phòng ngừa rủi ro dòng tiền | Giá gốc | Giá trị hợp lý |
Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết nắm giữ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ tương | Giá gốc | Giá trị hợp lý |
Bất động sản đầu tư (ngoại trừ trường hợp áp dụng mô hình giá gốc) | Giá gốc | Giá trị hợp lý |
Tài sản sinh học | Giá gốc | Giá trị hợp lý trừ chi phí bán |
Sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến tại thời điểm thu hoạch | Giá gốc | Giá trị hợp lý trừ chi phí bán |
Tài sản dài hạn nắm giữ để bán | Giá gốc | Giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị hợp lý trừ chi phí bán |
Ketoanstartup.com
- [CV 4511/TCT-CS] – Trả lại hàng cho bên bán
- [KTQT-Phần 3]kết cấu hàng bán – phân tích trường hợp nhiều sản phẩm
- [KTQT-Phần 3] phân tích điểm hòa vốn – chi phí – khối lượng – lợi nhuận
- [KTQT-Phần 3] Chi phí – khối lượng – lợi nhuận – ví dụ ứng dụng
- [KTQT-Phần 3] Chi phí – khối lượng – lợi nhuận – một số khái niệm