Tiếp theo Phần 04 – Sự khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS
Một số chuẩn mực kế toán IFRS chưa ban hành tại Việt Nam
1. IFRS 02 – Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu
Chuẩn mực này quy định những nguyên tắc đối với việc ghi nhận các giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu.
Chuẩn mực cũng yêu cầu đơn vị phản ánh ảnh hưởng của các giao dịch này trên báo cáo tổng thu nhập toàn diện và báo cáo tình hình tài chính, bao gồm cả chi phí cho các giao dịch liên quan đến việc cho người lao động được hưởng quyền chọn mua cổ phiếu.
2. IFRS 05 – Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt
Chuẩn mực này hướng dẫn kế toán các tài sản nắm giữ để bán; trình bày và công bố thông tin về các hoạt động bị chấm dứt.
Một hoạt động bị chấm dứt là một bộ phận của đơn vị đã được thanh lý, hoặc được phân loại là nắm giữ để bán và có thể là:
- Một mảng hoạt động chính riêng biệt hoặc một khu vực địa lý hoạt động
- Một phần của kế hoạch phối hợp để thanh lý một mảng kinh doanh riêng biệt hoặc khu vực địa lý hoạt động, hoặc
- Một công ty con được mua với mục đích bán lại và việc thanh lý liên quan đến việc mất quyền kiểm soát.
Khi đơn vị dự kiến chắc chắn sẽ thanh lý tài sản, cách thức thu hồi các tài sản này có sự thay đổi về căn bản, đó là chúng không còn được thu hồi thông qua việc sử dụng để mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai mà được thu hồi thông qua việc bán, thanh lý. Vì vậy, nếu những tài sản này vẫn được ghi nhận theo giá trị ghi sổ như bình thường sẽ không phản ánh đúng giá trị và cách thức thu hồi tài sản, làm người sử dụng báo cáo tài chính không có được thông tin trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
3. IFRS 06 – Thăm dò và Đánh giá tài nguyên khoáng sản
Chuẩn mực này nhằm hướng dẫn việc lập và trình bày báo cáo tài chính cho hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.
Chuẩn mực này quy định phương pháp kế toán đối với chi phí hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.
Đơn vị phải ghi nhận tài sản hình thành từ hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản theo hướng dẫn tại Chuẩn mực
này và xác định giá trị suy giảm theo IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản.
Thuyết minh và giải thích giá trị các khoản mục trên báo cáo tài chính phát sinh từ việc thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản và giúp người sử dụng báo cáo tài chính hiểu được giá trị, thời gian và tính chắc chắn của dòng tiền trong tương lai từ những tài sản hình thành từ hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản đã được ghi nhận.
4. IFRS 07 – Công cụ tài chính: Công bố
IFRS 07 có hiệu lực từ 1/1/2018 và thay thế cho IAS 32. Đây là một trong số những chuẩn mực mà Việt Nam chưa có chuẩn mực tương ứng và cũng là một trong những khác biệt lớn giữa VAS và IFRS
Chuẩn mực này quy định các nguyên tắc trong việc phân loại và trình bày các công cụ tài chính thành công cụ nợ hay công cụ vốn cũng như việc bù trừ giữa nợ tài chính và tài sản tài chính khi lập báo cáo tình hình tài chính và hướng dẫn xác định các thông tin cần được công bố về các công cụ tài chính đã được ghi nhận hoặc chưa được ghi nhận.
Việc phân loại là công cụ nợ hay công cụ vốn phải phụ thuộc vào bản chất của thỏa thuận theo hợp đồng khi ghi nhận lần đầu chứ không phải là tùy thuộc vào hình thức của hợp đồng.
5. IFRS 09 – Công cụ tài chính: ghi nhận và xác định giá trị
Đây là một trong số những chuẩn mực rất quan trọng trong hệ thống IAS/IFRS mà Việt Nam chưa có chuẩn mực tương ứng và cũng là một trong những khác biệt lớn nhất giữa VAS và IFRS. Chuẩn mực này quy định các nguyên tắc trong việc ghi nhận và xác định giá trị của các tài sản tài chính, nợ tài chính cũng như một số các hợp đồng mua hoặc bán các khoản mục phi tài chính.
Một trong những khác biệt cơ bản nhất giữa VAS và IFRS thường được nhắc đến là giá gốc và giá trị hợp lý trong đó việc Việt Nam chưa ban hành nhóm Chuẩn mực liên quan đến công cụ tài chính được coi là nguyên nhân cơ bản tạo ra sự khác biệt này.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu với quốc tế, đặc biệt là sự hội nhập của thị trường vốn và thị trường tài chính, các giao dịch về công cụ tài chính ngày càng sôi động, cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều sự lựa chọn trong việc tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro thông qua các công cụ tài chính.
Việc thiếu một khuôn khổ pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm suy giảm đáng kể tính trung thực, minh bạch của báo cáo tài chính, không cung cấp được cho các nhà đầu tư những thông tin tài chính hữu ích để ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, Chuẩn mực công cụ tài chính có liên quan chặt chẽ với nhiều Chuẩn mực khác như trình bày báo cáo tài chính, đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết, hợp nhất kinh doanh, suy giảm giá trị tài sản, tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt…
Các Chuẩn mực kế toán nêu trên không thể thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn nếu thiếu sự hỗ trợ và bổ sung của Chuẩn mực công cụ tài chính. Vì vậy, việc ban hành Chuẩn mực về ghi nhận và xác định giá trị công cụ tài chính là cực kỳ quan trọng, giúp hoàn thiện một phần cơ bản đang thiếu hụt trong hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam.
6. IFRS 11 – Thỏa thuận chung
Chuẩn mực này được IASB xây dựng để thay thế IAS 31 – Góp vốn liên doanh. Về cơ bản, nội dung của Chuẩn mực này không phải là những vấn đề hoàn toàn mới, được kế thừa hầu hết các quy định của IAS 31 nhưng có lược bỏ phần quy định chi tiết về phương pháp vốn chủ sở hữu khi kế toán các khoản đầu tư vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát do đã được quy định trong IAS 28 – Đầu tư vào công ty liên kết và bỏ nội dung về tài sản kiểm soát chung.
Chuẩn mực này nhằm thiết lập các nguyên tắc về lập báo cáo tài chính đối với các đơn vị có lợi ích liên quan đến các thỏa thuận chung, gồm các nội dung:
- Khái niệm về thỏa thuận chung và đặc điểm của thỏa thuận chung;
- Khái niệm về kiểm soát chung;
- Phân biệt hoạt động chung và liên doanh;
- Quy định về báo cáo tài chính đối với các bên tham gia thỏa thuận chung.
7. IFRS 12 – Công bố lợi ích trong đơn vị khác
Đây là một Chuẩn mực mới được IASB ban hành. Tuy nhiên, nội dung của chuẩn mực này chỉ là một phần được tách ra từ Chuẩn mực Báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính riêng trong quá trình cơ cấu lại hệ thống IFRS.
Chuẩn mực này nhằm quy định các thủ tục mà doanh nghiệp phải áp dụng để trình bày các thông tin cho phép người sử dụng báo cáo tài chính có thể đánh giá được bản chất, rủi ro liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp tại các đơn vị khác, ảnh hưởng của những lợi ích này đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và luồng tiền của doanh nghiệp.
IFRS này sẽ được áp dụng cho một đơn vị có lợi ích trong bất kỳ loại nào dưới đây:
- các công ty con
- các thỏa thuận chung (ví dụ, hoạt động chung hoặc liên doanh)
- các công ty liên kết
- các đơn vị được cấu trúc phi hợp nhất.
8. IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý
Đây là một trong những Chuẩn mực quan trọng trong hệ thống IFRS mà Việt Nam chưa có chuẩn mực tương ứng và cũng là một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa VAS và IFRS. Chuẩn mực này nhằm mục tiêu đưa ra khái niệm về giá trị hợp lý, đưa ra khuôn khổ duy nhất và tăng cường thuyết minh về cách xác định giá trị hợp lý.
Giá trị hợp lý được xác định dựa trên thị trường, không dựa trên đánh giá của riêng doanh nghiệp. Với một số tài sản hoặc nợ phải trả, các giao dịch thị trường có thể quan sát được hoặc các thông tin thị trường có thể có sẵn. Với một số tài sản hoặc nợ phải trả, các giao dịch thị trường có thể quan sát được hoặc các thông tin thị trường có thể không có sẵn.
Tuy nhiên, mục đích xác định giá trị hợp lý trong cả hai trường hợp là giống nhau – đó là ước tính giá mà tại đó một giao dịch có trật tự giữa các bên tham gia thị trường để bán tài sản hay chuyển nhượng một khoản nợ tại ngày xác định giá trị hợp lý trong các điều kiện thị trường hiện tại.
Một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa VAS và IFRS là VAS hướng việc ghi nhận tài sản theo giá gốc còn IFRS hướng theo giá trị hợp lý.
Quy định của VAS bất cập ở chỗ giá trị của một số tài sản thường biến động theo giá thị trường trong khi việc ghi nhận tài sản trên báo cáo tài chính lại căn cứ vào giá trị tại thời điểm ghi nhận ban đầu và không thay đổi theo giá thị trường tại thời điểm báo cáo. Điều này làm cho báo cáo tài chính không phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp, không cung cấp được thông tin hữu ích và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
9. IFRS 14 – Các khoản hoãn lại theo luật định
Chuẩn mực này hướng dẫn ghi nhận các khoản hoãn lại theo luật định do có những khác biệt giữa IFRS với các nguyên tắc kế toán được chấp nhận áp dụng trước đó của đơn vị để người đọc báo cáo tài chính hiểu được số liệu so sánh trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Đây là những khoản mà không được ghi nhận vào tài sản hoặc nợ phải trả theo quy định tại các chuẩn mực khác.
Các đơn vị được áp dụng chuẩn mực này trong năm đầu tiên khi áp dụng IFRS với mục đích có sự giải thích, minh họa khi có những thay đổi về chuẩn mực kế toán áp dụng. Tuy nhiên, chuẩn mực này cũng giới hạn một số chính sách kế toán được chấp nhận áp dụng trước đây mặc dù có sự khác biệt với IFRS nhưng cũng không được ghi nhận các khoản hoãn lại theo luật định.
Chuẩn mực này yêu cầu các khoản hoãn lại theo luật định của đơn vị phải được trình bày thành các chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo thu nhập toàn diện khác. Đồng thời chuẩn mực cũng yêu cầu phải thuyết minh rõ ràng về bản chất cũng như rủi ro của các tỷ lệ điều chỉnh.
10. IAS 19 – Phúc lợi cho người lao động
Chuẩn mực này quy định việc kế toán và thuyết minh thông tin đối với phúc lợi cho người lao động. Chuẩn mực này yêu cầu đơn vị phải ghi nhận:
- Nợ phải trả khi người lao động đã làm việc cho đơn vị để được chi trả các khoản phúc lợi trong tương lai; và
- Chi phí khi đơn vị tiêu dùng lợi ích kinh tế phát sinh do người lao động làm việc cho đơn vị để được hưởng các khoản phúc lợi.
11. IAS 20 – Các khoản trợ cấp của Chính Phủ và thuyết minh thông tin về trợ cấp Chính Phủ
Chuẩn mực này hướng dẫn về thuyết minh các khoản trợ cấp của chính phủ và các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ. Trợ cấp của chính phủ không được ghi nhận cho đến khi có các đảm bảo hợp lý rằng doanh nghiệp sẽ tuân thủ hoàn toàn các điều kiện gắn liền với khoản trợ cấp đó và doanh nghiệp sẽ thực nhận khoản trợ cấp đó.
Các hoạt động tài trợ của Chính phủ tập trung chủ yếu vào việc cung cấp nguồn lực đối với tài sản ngắn hạn và dài hạn. Việc ghi nhận các khoản thu nhập từ hoạt động tài trợ này được thực hiện ngay hoặc phân bổ dần tùy thuộc vào thời gian của các chương trình tài trợ. Vì vậy, các nguyên tắc kế toán đều khá đơn giản và giá trị các khoản tài trợ là có thể xác định được một cách chắc chắn nên Chuẩn mực này không gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc ghi nhận và trình bày Báo cáo tài chính.
12. IAS 26 – Kế toán và báo cáo các quỹ phúc lợi hưu trí
Chuẩn mực này nhằm quy định việc trình bày báo cáo tài chính của các quỹ phúc lợi hưu trí trong trường hợp có báo cáo tài chính được lập. Chuẩn mực này yêu cầu khoản đầu tư vào chương trình phúc lợi hưu trí phải được đo lường theo giá trị hợp lý. Các dạng quỹ phúc lợi hưu trí bao gồm quỹ phúc lợi hưu trí có mức đóng góp được xác định trước và quỹ phúc lợi hưu trí có mức phúc lợi được xác định trước.
Nhiều hình thức quỹ phúc lợi yêu cầu việc tạo lập các quỹ riêng, có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân hoặc bên nhận ủythác của các quỹ này – những cá nhân đóng góp cũng như nhận khoản phúc lợi từ quỹ. Chuẩn mực này được áp dụng dù quỹ phúc lợi có thành lập quỹ riêng hay không hoặc có bên nhận ủy thác của các quỹ này hay không.
Chuẩn mực này coi quỹ phúc lợi hưu trí như một đơn vị báo cáo độc lập với các chủ sử dụng lao động của các thành viên tham gia chương trình này. Các chuẩn mực kế toán khác được áp dụng với báo cáo tài chính của quỹ phúc lợi hưu trí trong trường hợp không được quy định bởi chuẩn mực này. Chuẩn mực này bổ sung cho IAS 19 – Phúc lợi cho người lao động.
Ketoanstartup.com
Xem thêm
Phần 01 – Sự khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS
Phần 02 – Sự khác biệt cơ bản giữa IFRS và VAS