IAS 1 – Trình bày báo cáo tài chính

TỔNG QUAN

IAS 1 Trình bày Báo cáo tài chính đưa ra các yêu cầu chung cho báo cáo tài chính, bao gồm cấu trúc báo cáo, các yêu cầu tối thiểu cho nội dung và các khái niệm như hoạt động liên tục, cơ sở kế toán dồn tích và phân biệt khoản mục ngắn hạn và dài hạn.

Chuẩn mực yêu cầu một bộ báo cáo tài chính đầy đủ phải bao gồm một báo cáo về tình hình tài chính, báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác, báo cáo biến động vốn chủ sở hữu và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

IAS 1 được phát hành lại vào tháng 9 năm 2007 và áp dụng cho kỳ báo cáo hàng năm bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2009.

IAS 1
MỤC TIÊU – IAS 1

Mục tiêu của IAS 1 (2007) là quy định cơ sở để trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung, để đảm bảo tính so sánh được với các báo cáo tài chính của đơn vị ở các kỳ trước và với báo cáo tài chính của các đơn vị khác.

IAS 1 đưa ra các yêu cầu tổng thể cho việc trình bày báo cáo tài chính, hướng dẫn về cấu trúc và các yêu cầu tối thiểu cho nội dung báo cáo tài chính. [IAS 1.1]  Ghi nhận, đo lường và công bố các giao dịch cụ thể được đề cập trong các Chuẩn mực và Giải thích khác. [IAS 1.3]

PHẠM VI – IAS 1

IAS 1 áp dụng cho tất cả các báo cáo tài chính cho mục đích chung được lập và trình bày theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS). [IAS 1.2]

Báo cáo tài chính cho mục đích chung là những báo cáo nhằm phục vụ người sử dụng mà không ở vị trí yêu cầu báo cáo tài chính phù hợp với nhu cầu thông tin cụ thể của họ. [IAS 1.7]

MỤC TIÊU CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Mục tiêu của báo cáo tài chính cho mục đích chung là cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả tài chính và dòng tiền của đơn vị, hữu ích cho nhiều người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Để đáp ứng mục tiêu đó, báo cáo tài chính cung cấp thông tin của đơn vị về: [IAS 1.9]

  • Tài sản
  • Nợ phải trả
  • Vốn chủ sở hữu
  • Thu nhập và chi phí, bao gồm cả lãi và lỗ
  • Vốn góp của chủ sở hữu và phân phối cho chủ sở hữu (với tư cách là chủ sở hữu)
  • Dòng tiền.

Thông tin này, cùng với các thông tin khác trong thuyết minh báo cáo tài chính, hỗ trợ người sử dụng báo cáo tài chính dự đoán dòng tiền trong tương lai của đơn vị và cụ thể là thời gian và sự chắc chắn của chúng.

CÁC THÀNH PHẦN CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Một bộ báo cáo tài chính đầy đủ bao gồm: [IAS 1.10]

  • Báo cáo tình hình tài chính (bảng cân đối kế toán) tại thời điểm cuối kỳ
  • Báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác trong kỳ (được trình bày dưới dạng một báo cáo duy nhất hoặc bằng cách trình bày phần lãi hoặc lỗ trong một báo cáo lãi lỗ riêng, ngay sau đó là một báo cáo thể hiện thu nhập toàn diện mà bắt đầu bằng lãi hoặc lỗ)
  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu trong kỳ
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ
  • Các thuyết minh, bao gồm một bản tóm tắt các chính sách kế toán chủ yếu và các thông tin giải thích khác
  • Thông tin so sánh kỳ trước theo quy định của chuẩn mực

Đơn vị có thể sử dụng các tiêu đề báo cáo khác so với các báo cáo ở trên. Tất cả các báo cáo tài chính được yêu cầu phải được trình bày với sự nổi bật như nhau. [IAS 1.10]

Khi đơn vị áp dụng chính sách kế toán hồi tố hoặc thực hiện hồi tố lại các khoản mục trong báo cáo tài chính hoặc khi phân loại lại các khoản mục trong báo cáo tài chính, thì cũng phải trình bày lại báo cáo tình hình tài chính (bảng cân đối kế toán) tại thời điểm đầu kỳ so sánh.

Các báo cáo được trình bày bên ngoài báo cáo tài chính – bao gồm báo cáo đánh giá tài chính của ban quản lý, báo cáo môi trường và báo cáo giá trị gia tăng – nằm ngoài phạm vi của IFRS. [IAS 1.14]

TRÌNH BÀY HỢP LÝ VÀ TUÂN THỦ CÁC IFRS

Báo cáo tài chính phải “trình bày một cách hợp lý” tình hình tài chính, kết quả tài chính và dòng tiền của đơn vị. Trình bày hợp lý yêu cầu sự trình bày trung thực các ảnh hưởng của các giao dịch, các sự kiện và điều kiện khác tuân thủ các định nghĩa và tiêu chí ghi nhận đối với tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí được nêu trong Bộ khung khái niệm.

Việc áp dụng các IFRS, với công bố bổ sung khi cần thiết, được cho là sẽ giúp báo cáo tài chính  được trình bày hợp lý. [IAS 1.15]

IAS 1 yêu cầu đơn vị có báo cáo tài chính tuân thủ IFRS phải đưa ra tuyên bố rõ ràng và đầy đủ về sự tuân thủ đó trong các thuyết minh. Báo cáo tài chính không thể được coi là tuân thủ các IFRS trừ khi chúng tuân thủ tất cả các yêu cầu của các IFRS (bao gồm các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, các chuẩn mực kế toán quốc tế, các giải thích của IFRIC và các giải thích của SIC). [IAS 1.16]

Các chính sách kế toán không phù hợp, không được sửa chữa bằng cách công bố các chính sách kế toán được sử dụng hoặc bằng các thuyết minh hoặc tài liệu giải thích. [IAS 1.18]

IAS 1 thừa nhận rằng, trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, ban quản lý có thể kết luận rằng việc tuân thủ một yêu cầu IFRS sẽ làm sai lệch thông tin đến mức nó sẽ mâu thuẫn với mục tiêu của báo cáo tài chính được nêu trong Bộ khung khái niệm.

Trong trường hợp như vậy, đơn vị được yêu cầu không tuân theo yêu cầu của IFRS đó, tuy nhiên đơn vị phải công bố chi tiết về bản chất, lý do và tác động của việc không tuân theo đó. [IAS 1.19-21]

HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC

Bộ khung khái niệm lưu ý rằng báo cáo tài chính thường được chuẩn bị trên giả định rằng đơn vị đang hoạt động và sẽ tiếp tục hoạt động trong tương lai gần. [Bộ khung khái niệm, đoạn 4.1]

IAS 1 yêu cầu ban quản lý đánh giá khả năng hoạt động liên tục của đơn vị. Nếu ban quản lý nhận thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị, thì sự không chắc chắn đó phải được công bố.

Nếu ban quản lý kết luận rằng đơn vị không đáp ứng cở sở hoạt động liên tục, thì báo cáo tài chính không nên được chuẩn bị trên cơ sở hoạt động liên tục, trong trường hợp này IAS 1 yêu cầu một chuỗi các công bố. [IAS 1,25]

CỞ SỞ DỒN TÍCH

IAS 1 yêu cầu đơn vị chuẩn bị báo cáo tài chính, ngoại trừ thông tin dòng tiền, sử dụng cơ sở kế toán dồn tích. [IAS 1.27]

TRÌNH BÀY NHẤT QUÁN

Việc trình bày và phân loại các khoản mục trong báo cáo tài chính sẽ được giữ nguyên từ kỳ này sang kỳ tiếp theo trừ khi thay đổi được chứng minh do sự thay đổi trong bối cảnh hoặc yêu cầu của IFRS mới. [IAS 1.45]

TÍNH TRỌNG YẾU VÀ GỘP CHUNG KHOẢN MỤC

Thông tin là trọng yếu nếu bỏ sót, sai sót hoặc che khuất thông tin đó có thể được kỳ vọng một cách hợp lý ​​sẽ ảnh hưởng đến các quyết định mà người sử dụng chính của báo cáo tài chính cho mục đích chung đưa ra dựa trên thông tin tài chính về một đơn vị báo cáo cụ thể mà báo cáo tài chính đó cung cấp. [IAS 1.7]

Mỗi nhóm các khoản mục tương tự trọng yếu phải được trình bày riêng trong báo cáo tài chính. Các khoản mục khác nhau chỉ có thể được gộp chung lại nếu mỗi khoản mục đơn lẻ là không trọng yếu . [IAS 1.29]

Tuy nhiên, thông tin không nên bị che khuất bằng cách gộp chung lại hoặc cung cấp thông tin không trọng yếu, xem xét tính trọng yếu để áp dụng cho tất cả các thành phần của báo cáo tài chính và ngay cả khi chuẩn mực yêu cầu công bố cụ thể, xem xét tính trọng yếu vẫn được áp dụng. [IAS 1.30A-31]

BÙ TRỪ

Tài sản và nợ phải trả, thu nhập và chi phí, không được bù trừ ngoại trừ IFRS yêu cầu hoặc cho phép. [IAS 1.32]

THÔNG TIN SO SÁNH

IAS 1 yêu cầu thông tin so sánh phải được trình bày cho kỳ trước đó đối với tất cả các khoản mục được báo cáo trong báo cáo tài chính, cả trên báo cáo tài chính và trong thuyết minh, trừ khi một chuẩn mực khác có yêu cầu khác. Thông tin so sánh được cung cấp để tường thuật và mô tả khi có liên quan để hiểu báo cáo tài chính của kỳ hiện tại. [IAS 1.38]

Đơn vị được yêu cầu phải trình bày ít nhất hai báo cáo cho mỗi loại báo cáo trong số các báo cáo tài chính chính yếu sau: [IAS 1.38A]

  • Báo cáo tình hình tài chính*
  • Báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác
  • Báo cáo lãi lỗ riêng (nếu được trình bày)
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu
  • Các thuyết minh báo cáo tài chính liên quan đến từng loại báo cáo trên

* Cần phải trình bày báo cáo tài chính thứ ba nếu đơn vị áp dụng chính sách kế toán hồi tố, công bố lại các khoản mục hoặc phân loại lại các khoản mục và những điều chỉnh đó có ảnh hưởng trọng yếu đến thông tin trong báo cáo tình hình tài chính tại đầu kỳ so sánh. [IAS 1,40A]

Khi khoản mục so sánh thay đổi hoặc phân loại lại, cần phải công bố nhiều thông tin khác nhau. [IAS 1.41]

CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG BÁO CÁO TÀI CHÍNH NÓI CHUNG

IAS 1 yêu cầu đơn vị xác định rõ ràng: [IAS 1.49-51]

  • Các báo cáo tài chính, phải được phân biệt so với thông tin khác trong tài liệu đã được xuất bản
  • Mỗi báo cáo tài chính và thuyết minh báo cáo tài chính.

Ngoài ra, các thông tin sau phải được hiển thị nổi bật và được lặp lại khi cần thiết: [IAS 1.51]

  • Tên của đơn vị báo cáo và mọi thay đổi trong tên đơn vị
  • Báo cáo tài chính của một nhóm các đơn vị hay của một đơn vị
  • Thông tin về kỳ báo cáo
  • Loại tiền tệ trình bày (như được định nghĩa bởi IAS 21 Tác động của những thay đổi trong tỷ giá hối đoái)

Mức độ làm tròn số liệu được sử dụng (ví dụ: hàng ngàn, hàng triệu).

KỲ BÁO CÁO

Có một giả định rằng báo cáo tài chính sẽ được lập ít nhất hàng năm. Nếu kỳ báo cáo hàng năm thay đổi và báo cáo tài chính được chuẩn bị cho một kỳ khác, đơn vị phải công bố lý do thay đổi và tuyên bố rằng giá trị các khoản mục không hoàn toàn có thể so sánh được. [IAS 1.36]

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH (BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN)
Phân loại khoản mục ngắn hạn và dài hạn

Đơn vị thường phải trình bày báo cáo tình hình tài chính đã được phân loại, tách biệt các tài sản ngắn hạn và dài hạn, và nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn, ngoại trừ việc trình bày dựa trên tính thanh khoản mang đến thông tin đáng tin cậy. [IAS 1.60]

Trong cả hai trường hợp, nếu một danh mục tài sản (nợ phải trả) kết hợp có giá trị sẽ nhận được (thanh toán) sau 12 tháng so với các tài sản (nợ phải trả) sẽ nhận được (thanh toán) trong vòng 12 tháng, thì cần phải công bố thông tin tách riêng giá trị dài hạn so với giá trị trong 12 tháng. [IAS 1.61]

Tài sản ngắn hạn là những tài sản: [IAS 1.66]

  • Dự kiến thực hiện trong chu kỳ hoạt động bình thường của đơn vị
  • Nắm giữ chủ yếu cho mục đích thương mại
  • Dự kiến ​thực hiện trong vòng 12 tháng sau kỳ báo cáo
  • Tiền và các khoản tương đương tiền (trừ khi bị ràng buộc).

Tất cả các tài sản khác là dài hạn. [IAS 1.66]

Nợ phải trả ngắn hạn: [IAS 1.69]

  • Dự kiến ​​chi trả trong chu kỳ hoạt động bình thường của đơn vị
  • Nắm giữ cho mục đích thương mại
  • Đến hạn chi trả trong vòng 12 tháng
  • Đơn vị không có quyền tại cuối kỳ báo cáo đối với việc trả chậm sau 12 tháng.

Các khoản nợ phải trả khác là dài hạn.

Khi một khoản nợ phải trả dài hạn dự kiến ​​sẽ được tái tài trợ trên cơ sở cho vay hiện tại và đơn vị có toàn quyền thực hiện, thì khoản nợ phải trả đó được phân loại là dài hạn, ngay cả khi khoản nợ phải trả đến hạn trong vòng 12 tháng. [IAS 1,73]

Nếu một khoản nợ phải trả theo yêu cầu bởi vì đơn vị đã vi phạm một cam kết theo hợp đồng cho vay dài hạn vào hoặc trước ngày báo cáo, thì nợ phải trả vẫn là ngắn hạn, ngay cả khi người cho vay đã đồng ý, sau ngày báo cáo và trước khi báo cáo tài chính được phát hành, không yêu cầu thanh toán do hậu quả của vi phạm. [IAS 1.74]

Tuy nhiên, nợ phải trả được phân loại là dài hạn nếu người cho vay đồng ý trước ngày báo cáo để cung cấp thời gian ân hạn kết thúc ít nhất 12 tháng sau khi kết thúc kỳ báo cáo, trong đó đơn vị có thể khắc phục vi phạm và trong thời gian đó người cho vay không thể yêu cầu trả nợ ngay lập tức. [IAS 1,75]

Chi trả bằng phát hành công cụ vốn chủ sở hữu không ảnh hưởng đến phân loại. [IAS 1,76B]

Các khoản mục

Các khoản mục thể hiện trên báo cáo tình hình tài chính: [IAS 1.54]

  • (a) bất động sản, nhà xưởng và thiết bị
  • (b) bất động sản đầu tư
  • (c) tài sản vô hình
  • (d) tài sản tài chính (không bao gồm các khoản mục trong (e), (h) và (i)))
  • (e) các khoản đầu tư được hạch toán bằng phương pháp vốn chủ sở hữu
  • (f) tài sản sinh học
  • (g) hàng tồn kho
  • (h) các khoản phải thu thương mại và các khoản phải thu khác
  • (i) tiền và các khoản tương đương tiền
  • (j) tài sản nắm giữ để bán
  • (k) các khoản phải trả thương mại và các khoản phải trả khác
  • (l) các khoản dự phòng
  • (m) các khoản nợ phải trả tài chính (không bao gồm các khoản được thể hiện ở (k) và (l))
  • (n) các khoản nợ phải trả thuế thu nhập hiện hành và tài sản thuế thu nhập hiện hành, được định nghĩa trong IAS 12
  • (o) các khoản nợ thuế thu nhập hoãn lại phải trả và tài sản thuế thu nhập hoãn lại, được định nghĩa trong IAS 12
  • (p) nợ phải trả trong các nhóm tài sản chờ thanh lý
  • (q) lợi ích không kiểm soát, được trình bày trong vốn chủ sở hữu
  • (r) vốn phát hành và các quỹ thuộc về chủ sở hữu của công ty mẹ.

Các khoản mục bổ sung, tiêu đề và tổng cộng theo nhóm có thể cần thiết để trình bày một cách hợp lý tình hình tài chính của đơn vị. [IAS 1,55]

Khi đơn vị trình bày tổng cộng theo nhóm, các tổng cộng này sẽ bao gồm các khoản mục có giá trị được ghi nhận và đo lường theo IFRS; được trình bày và gắn tiêu đề một cách rõ ràng và dễ hiểu; nhất quán từ kỳ này sang kỳ khác; và không được hiển thị với sự nổi bật hơn so với tổng cộng theo nhóm và tổng cộng. [IAS 1,55A]

Các phân loại phụ khác của các khoản mục được trình bày trong báo cáo hoặc trong thuyết minh, ví dụ: [IAS 1.77-78]:

  • Các loại bất động sản, nhà xưởng và thiết bị
  • Phân loại các khoản phải thu
  • Phân loại hàng tồn kho theo IAS 2 Hàng tồn kho
  • Phân loại các khoản dự phòng lợi ích người lao động và các khoản mục khác
  • Các loại vốn chủ sở hữu và các quỹ.
Định dạng báo cáo

IAS 1 không quy định định dạng của báo cáo tình hình tài chính. Các tài sản ngắn hạn có thể được trình bày trước, tiếp theo là tài sản dài hạn, hoặc ngược lại, và nợ phải trả ngắn hạn có thể được trình bày trước, tiếp theo là nợ phải trả dài hạn, tiếp theo nữa là vốn chủ sở hữu, hoặc ngược lại.

Việc trình bày tài sản ròng (tài sản trừ đi nợ phải trả) được cho phép. Phương pháp tài chính dài hạn được sử dụng ở Anh và các nơi khác – tài sản cố định + tài sản ngắn hạn – nợ phải trả ngắn hạn = nợ phải trả dài hạn cộng với vốn chủ sở hữu – cũng được chấp nhận.

Vốn cổ phần và các Quỹ

Đối với vốn cổ phần và các quỹ đã phát hành, cần có các công bố sau: [IAS 1.79]

  • Số lượng cổ phiếu đã được phê duyệt, phát hành và góp vốn đầy đủ, và số lượng đã phát hành nhưng chưa góp vốn đầy đủ
  • Mệnh giá (hoặc các cổ phiếu đó không có mệnh giá)
  • Đối chiếu số lượng cổ phiếu đang lưu hành vào đầu kỳ và cuối kỳ
  • Mô tả các quyền, ưu đãi và hạn chế
  • Cổ phiếu quỹ, bao gồm cả cổ phiếu được nắm giữ bởi các công ty con và công ty liên kết
  • Cổ phiếu dự trữ được phát hành theo các quyền chọn và hợp đồng
  • Mô tả về bản chất và mục đích của các quỹ trong vốn chủ sở hữu.

Công bố thông tin bổ sung là bắt buộc đối với các đơn vị không có vốn cổ phần và khi đó, đơn vị phải phân loại lại các công cụ tài chính có quyền hoàn trả. [IAS 1.80-80A]

BÁO CÁO LÃI LỖ VÀ THU NHẬP TOÀN DIỆN KHÁC
Khái niệm về lãi lỗ và thu nhập toàn diện

Lãi hoặc lỗ được định nghĩa là “tổng thu nhập trừ chi phí, không bao gồm các thành phần của thu nhập toàn diện khác”. Thu nhập toàn diện khác được định nghĩa là bao gồm “các khoản thu nhập và chi phí (bao gồm cả những điều chỉnh do phân loại lại) mà không được ghi nhận vào lãi hoặc lỗ theo yêu cầu hoặc được cho phép bởi các IFRS khác”.

Tổng thu nhập toàn diện được định nghĩa là “sự thay đổi vốn chủ sở hữu trong kỳ do những giao dịch và các sự kiện khác, ngoài những thay đổi do giao dịch với chủ sở hữu trong khả năng của họ với tư cách là các chủ sở hữu”. [IAS 1.7]

Thu nhập toàn diện trong kỳ = Lãi hoặc lỗ + Thu nhập toàn diện khác

Tất cả các khoản thu nhập và chi phí được ghi nhận trong kỳ phải được bao gồm trong báo cáo lãi lỗ trừ khi chuẩn mực hoặc Giải thích yêu cầu khác. [IAS 1.88] Một số IFRS yêu cầu hoặc cho phép một số thành phần được loại trừ khỏi báo cáo lãi lỗ và thay vào đó được đưa vào thu nhập toàn diện khác.

Ví dụ về các khoản mục ghi nhận bên ngoài báo cáo lãi lỗ
  • Thay đổi thặng dư do đánh giá lại trong đó phương pháp đánh giá lại được sử dụng theo IAS 16 Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị và IAS 38 Tài sản vô hình.
  • Đánh giá lại nợ phải trả hoặc tài sản phúc lợi được xác định ròng theo IAS 19 Lợi ích người lao động (2011)
  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái từ việc chuyển đổi các loại tiền tệ chức năng sang loại tiền tệ trình bày trên báo cáo tài chính theo IAS 21 Tác động của những thay đổi trong tỷ giá hối đoái
  • Lãi và lỗ khi đo lường lại các tài sản tài chính sẵn sàng để bán theo IAS 39 Công cụ tài chính: Ghi nhận và Đo lường
  • Tỷ lệ có hiệu quả của lãi và lỗ từ các công cụ phòng ngừa rủi ro trong phòng ngừa rủi ro dòng tiền theo IAS 39 hoặc IFRS 9 Công cụ tài chính
  • Lãi và lỗ khi đo lường lại khoản đầu tư vào các công cụ vốn trong đó đơn vị đã lựa chọn trình bày trong thu nhập toàn diện khác theo IFRS 9

Ngoài ra, IAS 8 Chính sách kế toán, các thay đổi trong ước tính và sai sót kế toán đòi hỏi phải điều chỉnh sai sót và ảnh hưởng của các thay đổi trong chính sách kế toán được ghi nhận bên ngoài báo cáo lãi lỗ trong kỳ hiện tại. [IAS 1.89]

Lựa chọn trình bày và các yêu cầu cơ bản

Đơn vị có lựa chọn để trình bày:

  • Một báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác, với lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác được trình bày riêng trong hai phần, hoặc
  • Hai báo cáo:
    • Một báo cáo lãi lỗ riêng
    • Một báo cáo thu nhập toàn diện, ngay sau báo cáo lãi lỗ và bắt đầu bằng lãi hoặc lỗ [IAS 1.10A]

(Các) báo cáo phải trình bày: [IAS 1.81A]

  • Lãi hoặc lỗ
  • Tổng thu nhập toàn diện khác
  • Thu nhập toàn diện trong kỳ
  • Phân bổ lãi hoặc lỗ và thu nhập toàn diện trong kỳ giữa lợi ích không kiểm soát và chủ sở hữu của công ty mẹ
Phần lãi lỗ

Các chỉ tiêu tối thiểu sau đây phải được trình bày trong phần lãi lỗ (hoặc trong báo cáo lãi lỗ riêng, nếu được trình bày): [IAS 1.82-82A]

  • Doanh thu
  • Lãi và lỗ từ việc dừng ghi nhận tài sản tài chính được đo lường theo phương pháp giá trị được phân bổ
  • Chi phí tài chính
  • Phần lãi hoặc lỗ của công ty liên kết và liên doanh được hạch toán bằng phương pháp vốn chủ sở hữu
  • Một số khoản lãi hoặc lỗ nhất định liên quan đến việc phân loại lại tài sản tài chính
  • chi phí thuế
  • Tổng giá trị của các hoạt động bị ngừng

Các chi phí được ghi nhận trong phần lãi lỗ phải được phân tích theo bản chất (nguyên vật liệu, chi phí nhân sự, khấu hao, v.v.) hoặc theo chức năng (giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, v.v.). [IAS 1.99] Nếu đơn vị phân loại theo chức năng, thì thông tin bổ sung về bản chất của chi phí – mức khấu hao tối thiểu, phân bổ và chi phí lợi ích người lao động – phải được công bố. [IAS 1.104]

Phần thu nhập toàn diện khác

Phần thu nhập toàn diện khác được yêu cầu trình bày các chỉ tiêu được phân loại theo bản chất và được nhóm lại giữa các khoản mục được hoặc không được phân loại lại thành lãi và lỗ trong các kỳ tiếp theo. [IAS 1.82A]

Một phần của OCI của các công ty liên kết và liên doanh được hạch toán bằng phương pháp vốn chủ sở hữu được trình bày dưới dạng tổng hợp từ các khoản mục theo từng dòng riêng dựa trên việc sau đó nó có được hoặc không được phân loại lại thành lãi hay lỗ. [IAS 1.82A]

Khi đơn vị trình bày các tổng cộng theo nhóm, các tổng cộng theo nhóm đó sẽ bao gồm các khoản mục được tạo thành từ giá trị được ghi nhận và đo lường theo IFRS; được trình bày và gắn nhãn một cách rõ ràng và dễ hiểu; nhất quán giữa các kỳ; không được hiển thị với sự nổi bật hơn so với tổng cộng theo nhóm bắt buộc và tổng cộng; và thực hiện đối chiếu với tổng cộng theo nhóm bắt buộc và tổng cộng được yêu cầu bởi IFRS. [IAS 1.85A-85B]

Những yêu cầu khác

Các chỉ tiêu bổ sung có thể cần thiết để trình bày một cách hợp lý kết quả hoạt động của đơn vị. [IAS 1,85]

Các khoản mục không thể được trình bày dưới dạng “khoản mục bất thường” trong báo cáo tài chính hoặc trong thuyết minh. [IAS 1.87]

Một số khoản mục phải được công bố riêng trong báo cáo thu nhập toàn diện hoặc trong thuyết minh, nếu trọng yếu, sẽ bao gồm: [IAS 1.98]

  • Khoản ghi giảm giá trị của hàng tồn kho xuống giá trị thuần có thể thực hiện được hoặc của bất động sản, nhà xưởng và thiết bị xuống giá trị có thể thu hồi được, cũng như khoản hoàn nhập của các khoản ghi giảm đó.
  • Tái cấu trúc các hoạt động của đơn vị và hoàn nhập các khoản dự phòng cho các chi phí tái cấu trúc
  • Thanh lý các bất động sản, nhà xưởng và thiết bị
  • Thanh lý các khoản đầu tư
  • Các hoạt động bị ngừng
  • Giải quyết các vụ kiện
  • Các khoản hoàn nhập dự phòng khác
BÁO CÁO LƯU CHUYỂN TIỀN TỆ

Thay vì đưa ra các yêu cầu riêng cho việc trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ, IAS 1.111 đề cập đến chuẩn mực IAS 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong việc trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

BÁO CÁO THAY ĐỔI VỐN CHỦ SỞ HỮU

IAS 1 yêu cầu đơn vị trình bày báo cáo riêng về thay đổi vốn chủ sở hữu. Báo cáo phải thể hiện: [IAS 1.106]

  • Tổng thu nhập toàn diện trong kỳ, thể hiện riêng phần phân bổ cho chủ sở hữu của công ty mẹ và phần phân bổ cho các lợi ích không kiểm soát
  • Ảnh hưởng của áp dụng hồi tố của các chính sách kế toán hoặc công bố lại được thực hiện theo IAS 8, thể hiện riêng cho từng thành phần của thu nhập toàn diện khác
  • Đối chiếu giữa giá trị sổ sách vào đầu kỳ và cuối kỳ cho từng thành phần của vốn chủ sở hữu, thể hiện riêng:
    • Lãi lỗ
    • Thu nhập toàn diện khác *
    • Các giao dịch với chủ sở hữu, thể hiện riêng phần góp vốn của chủ sở hữu và phần phân bổ cho chủ sở hữu và các thay đổi quyền lợi sở hữu trong các công ty con không dẫn đến mất quyền kiểm soát

* Một phân tích về thu nhập toàn diện khác theo khoản mục được yêu cầu phải trình bày trong báo cáo hoặc trong thuyết minh. [IAS 1.106A]

Các khoản mục sau đây cũng có thể được trình bày trên báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu hoặc chúng có thể được trình bày trong thuyết minh: [IAS 1.107]

  • Cổ tức được ghi nhận phân bổ cho các chủ sỡ hữu
  • Cổ tức trên mỗi cổ phiếu liên quan
THUYẾT MINH BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Các thuyết minh phải: [IAS 1.112]

  • Trình bày thông tin về cơ sở lập báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được sử dụng
  • Công bố mọi thông tin theo yêu cầu của IFRS mà chưa được trình bày ở các phần khác trong các báo cáo tài chính và
  • Cung cấp thêm thông tin mà chưa được trình bày ở các phần khác trong các báo cáo tài chính nhưng có liên quan đến việc hiểu rõ hơn báo cáo tài chính

Các thuyết minh được trình bày một cách có hệ thống và được tham chiếu lẫn nhau từ các báo cáo tài chính đến thuyết minh liên quan. [IAS 1.113]

IAS 1.114 đề nghị các thuyết minh thường được trình bày theo thứ tự sau: *

  • Một tuyên bố tuân thủ IFRS
  • Một bản tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng được áp dụng, bao gồm: [IAS 1.117]
    • Cơ sở đo lường (hoặc cơ sở) được sử dụng để lập báo cáo tài chính
    • Các chính sách kế toán khác được sử dụng có liên quan đến việc hiểu rõ hơn về báo cáo tài chính
  • Thông tin hỗ trợ cho các khoản mục được trình bày trong báo cáo tình hình tài chính (bảng cân đối kế toán), (các) báo cáo lãi lỗ và thu nhập toàn diện khác, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, theo thứ tự công bố và từng khoản mục được trình bày
  • Công bố khác, bao gồm:
    • Nợ phải trả tiềm tàng (xem IAS 37) và các cam kết hợp đồng chưa được ghi nhận
    • Công bố thông tin phi tài chính, như các mục tiêu và chính sách quản lý rủi ro tài chính của đơn vị (xem IFRS 7 Công cụ tài chính: Công bố)
CÔNG BỐ KHÁC
Xét đoán và các giải định chính

Đơn vị phải công bố, trong bản tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng hoặc các thuyết minh khác, các xét đoán, ngoài các ước tính liên quan, ban quản lý đã thiết lập trong quá trình áp dụng các chính sách kế toán của đơn vị có ảnh hưởng đáng kể đến giá trị được ghi nhận trong các báo cáo tài chính. [IAS 1.122]

Các ví dụ được trích dẫn trong IAS 1.123 bao gồm các xét đoán của ban quản lý trong việc xác định:

  • Thời điểm tất cả các rủi ro và lợi ích đáng kể về quyền sở hữu tài sản tài chính và tài sản cho thuê được chuyển nhượng cho các đơn vị khác
  • Xét về bản chất, có phải một số giao dịch bán hàng hóa cụ thể là các thỏa thuận tài chính và do đó không làm tăng doanh thu.

Đơn vị cũng phải công bố, trong các thuyết minh, thông tin về các giả định chính liên quan đến tương lai và các nguồn cơ sở chính của ước tính sự không chắc chắn khác vào cuối kỳ báo cáo, có rủi ro đáng kể gây ra sự điều chỉnh trọng yếu đối với giá trị sổ sách tài sản và nợ phải trả trong năm tài chính tiếp theo. [IAS 1.125] Những công bố này không liên quan đến việc công bố ngân sách hoặc dự báo. [IAS 1.130]

Cổ tức

Ngoài các thông tin phân phối cho chủ sở hữu trong báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (xem ở trên), những điều sau đây phải được công bố trong thuyết minh: [IAS 1.137]

  • Giá trị cổ tức được đề xuất hoặc tuyên bố trước khi báo cáo tài chính được phê duyệt phát hành nhưng chưa được ghi nhận là phân phối cho chủ sở hữu trong kỳ và cổ tức trên mỗi cổ phiếu
  • Giá trị lũy kế của mọi cổ tức ưu đãi chưa được ghi nhận.
Công bố về nguồn vốn

Đơn vị công bố thông tin về mục tiêu, chính sách và quy trình quản lý vốn. [IAS 1.134] Để tuân thủ điều này, các công bố bao gồm: [IAS 1.135]

  • Thông tin định tính về các mục tiêu, chính sách và quy trình của đơn vị để quản lý vốn, bao gồm
    • Mô tả về vốn mà đơn vị quản lý
    • Bản chất của các yêu cầu vốn từ bên ngoài, nếu có
    • Cách thức đơn vị đạt được mục tiêu
  • Dữ liệu định lượng về những gì đơn vị coi là vốn
  • Thay đổi từ kỳ này sang kỳ khác
  • Đơn vị có tuân thủ mọi yêu cầu vốn từ bên ngoài và
  • Nếu đơn vị không tuân thủ, hậu quả của việc không tuân thủ đó.
Công cụ tài chính có quyền hoàn trả

IAS 1.136A yêu cầu các công bố bổ sung sau đây nếu đơn vị có công cụ tài chính có quyền hoàn trả được phân loại là một công cụ vốn chủ sở hữu:

  • Tóm tắt dữ liệu định lượng về giá trị được phân loại là vốn chủ sở hữu
  • Mục tiêu, chính sách và quy trình của đơn vị để quản lý nghĩa vụ mua lại hoặc hoàn lại các công cụ khi chủ sở hữu công cụ yêu cầu, bao gồm mọi thay đổi từ kỳ trước
  • Dòng tiền chi ra dự kiến ​​hoàn lại hoặc mua lại nhóm các công cụ tài chính đó và
  • Thông tin về cách xác định dòng tiền chi ra dự kiến ​​khi hoàn lại hoặc mua lại.
Thông tin khác

Các công bố thuyết minh khác sau đây được yêu cầu bởi IAS 1 nếu không được công bố ở các phần khác trong thông tin được công bố cùng với báo cáo tài chính: [IAS 1.138]

  • Địa điểm cư trú và hình thức pháp lý của đơn vị
  • Quốc gia mà đơn vị thành lập
  • Địa chỉ của trụ sở đăng ký hoặc địa điểm kinh doanh chính
  • Mô tả các hoạt động kinh doanh và hoạt động chính của đơn vị
  • Nếu đơn vị là một phần của tập đoàn, tên của công ty mẹ và tên của công ty mẹ cao nhất trong tập đoàn
  • Nếu là đơn vị hoạt động có thời hạn, thông tin liên quan đến thời hạn hoạt động
THUẬT NGỮ

Bản sửa đổi toàn diện năm 2007 của IAS 1 đã giới thiệu một số thuật ngữ mới. Do đó, các sửa đổi đã được thực hiện tại thời điểm đó đối với tất cả các IFRS hiện có khác, và thuật ngữ mới đã được sử dụng trong các IFRS tiếp theo bao gồm cả các sửa đổi.

IAS 1.8 tuyên bố rằng: “Mặc dù chuẩn mực này sử dụng thuật ngữ ‘thu nhập toàn diện khác’, ‘lãi lỗ’ và ‘tổng thu nhập toàn diện’, thì đơn vị có thể sử dụng các thuật ngữ khác để mô tả với điều kiện là ý nghĩa rõ ràng về lâu dài. Ví dụ: đơn vị có thể sử dụng thuật ngữ ‘thu nhập ròng’ để mô tả lãi lỗ. “

Ngoài ra, IAS 1.57 (b) nêu rõ: “Các mô tả được sử dụng và thứ tự các khoản mục hoặc kết hợp các khoản mục tương tự có thể được điều chỉnh theo bản chất của đơn vị và các giao dịch, để cung cấp thông tin phù hợp cho việc hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của đơn vị.”

 

Ketoanstartup.com


XEM THÊM CÁC CHUẨN MỰC KHÁC

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

You cannot copy content of this page

Bạn không thể sao chép nội dung này

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x