HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
Đơn vị phải ghi nhận doanh thu khi (hoặc ngay khi) đơn vị hoàn thành một nghĩa vụ thực hiện bằng cách chuyển giao một hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết (nghĩa là một tài sản) cho một khách hàng. Một tài sản được chuyển giao khi (hoặc ngay khi) khách hàng nắm được
Đối với mỗi nghĩa vụ thực hiện, tại thời điểm bắt đầu của hợp đồng, đơn vị phải xác định liệu đơn vị sẽ hoàn thành nghĩa vụ thực hiện trong một khoảng thời gian hay tại một thời điểm. Nếu đơn vị không hoàn thành nghĩa vụ thực hiện trong một khoảng thời gian, thì nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành tại một thời điểm.
Các hàng hóa hoặc dịch vụ là tài sản khi chúng được tiếp nhận và sử dụng (như trong trường hợp nhiều dịch vụ), ngay cả khi chỉ trong một thời gian ngắn.
Khi đánh giá liệu một khách hàng có nắm được quyền kiểm soát tài sản hay không, đơn vị phải xem xét bất kỳ thỏa thuận mua lại tài sản nào
1. Nghĩa vụ thực hiện hoàn thành trong một khoảng thời gian
Đơn vị chuyển giao quyền kiểm soát một tài sản hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian và do đó, hoàn thành một nghĩa vụ thực hiện và ghi nhận doanh thu trong một khoảng thời gian nếu một trong các tiêu chí sau được thỏa mãn:
- khách hàng đồng thời tiếp nhận và sử dụng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị
- việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị tạo ra hoặc làm gia tăng giá trị một tài sản (ví dụ, sản phẩm dở dang) mà khách hàng kiểm soát trong quá trình tài sản đó được tạo ra hoặc được gia tăng giá trị; hoặc
- việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị không tạo ra một tài sản có mục đích sử dụng khác đối với đơn vị và đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán có hiệu lực thi hành cho phần công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại
a. Khách hàng đồng thời tiếp nhận và sử dụng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị
Đối với một số loại nghĩa vụ thực hiện, việc đánh giá liệu khách hàng có tiếp nhận lợi ích tạo ra từ việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị và đồng thời sử dụng lợi ích đó khi tiếp nhận là việc rất rõ ràng. Các ví dụ bao gồm các dịch vụ định kỳ hoặc lặp lại (như dịch vụ vệ sinh) mà trong đó việc khách hàng tiếp nhận và đồng thời sử dụng các lợi ích tạo ra từ việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị có thể xác định được ngay.
Đối với một số loại nghĩa vụ thực hiện khác, đơn vị có thể không xác định được liệu khách hàng có đồng thời tiếp nhận và sử dụng các lợi ích tạo ra từ việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị khi đơn vị thực hiện nghĩa vụ hay không.
Trong các trường hợp đó, một nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian nếu đơn vị xác định rằng một đơn vị khác sẽ không cần thực hiện lại phần lớn công việc mà đơn vị đã hoàn thành tới thời điểm hiện tại nếu đơn vị khác đó phải hoàn thành nghĩa vụ thực hiện còn lại cho khách hàng.
Khi xác định liệu đơn vị khác sẽ không cần thực hiện lại phần lớn công việc mà đơn vị đã hoàn thành tới thời điểm hiện tại hay không, đơn vị phải sử dụng cả hai giả định sau đây:
- bỏ qua các hạn chế tiềm tàng theo hợp đồng hoặc trong thực tế mà nếu tính đến các hạn chế này sẽ ngăn cản đơn vị chuyển giao nghĩa vụ thực hiện còn lại cho một đơn vị khác; và
- giả định rằng một đơn vị khác hoàn thành phần còn lại của nghĩa vụ thực hiện sẽ không có được lợi ích từ bất kỳ tài sản nào hiện đang được kiểm soát bởi đơn vị và tài sản đó sẽ vẫn thuộc sự kiểm soát của đơn vị nếu nghĩa vụ thực hiện được chuyển giao cho một đơn vị khác
b. Khách hàng kiểm soát tài sản trong quá trình tài sản được tạo ra hoặc được gia tăng giá trị
Khi xác định liệu khách hàng có kiểm soát tài sản trong quá trình tài sản được tạo ra hoặc được gia tăng giá trị hay không, đơn vị phải áp dụng các quy định về kiểm soát. Tài sản đang được tạo ra hoặc được gia tăng giá trị (ví dụ, tài sản dở dang) có thể là tài sản hữu hình hoặc vô hình.
c. Việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị không tạo ra một tài sản có mục đích sử dụng khác và đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán có hiệu lực thi hành cho phần công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại
Một tài sản được tạo ra bởi việc thực hiện nghĩa vụ của đơn vị không có mục đích sử dụng khác đối với đơn vị nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
- Hoặc là, theo hợp đồng, đơn vị bị hạn chế ngay lập tức quyết định việc sử dụng tài sản đó cho một mục đích khác trong quá trình tạo ra hoặc làm gia tăng giá trị tài sản đó.
- Hoặc là, trong thực tế, đơn vị bị hạn chế ngay lập tức quyết định việc sử dụng tài sản đã hoàn thành cho mục đích khác.
Việc đánh giá liệu một tài sản có mục đích sử dụng khác đối với đơn vị hay không được thực hiện tại thời điểm bắt đầu hợp đồng. Sau thời điểm đó, đơn vị không được cập nhật việc đánh giá về mục đích sử dụng khác của một tài sản trừ khi các bên tham gia hợp đồng thông qua việc sửa đổi hợp đồng, mà việc đó làm thay đổi đáng kể nghĩa vụ thực hiện đó.
Khi đánh giá liệu một tài sản có mục đích sử dụng khác đối với đơn vị hay không, đơn vị phải xem xét ảnh hưởng của các hạn chế theo hợp đồng và các hạn chế trong thực tế về khả năng đơn vị có thể ngay lập tức quyết định sử dụng tài sản đó cho mục đích sử dụng khác, ví dụ như, bán tài sản đó cho một khách hàng khác.
Khả năng hợp đồng với khách hàng bị chấm dứt không phải là một yếu tố cần xem xét khi đánh giá liệu đơn vị có thể ngay lập tức quyết định sử dụng tài sản cho mục đích khác hay không.
Một hạn chế theo hợp đồng về khả năng đơn vị quyết định sử dụng tài sản cho mục đích khác phải đủ mạnh để một tài sản không có mục đích sử dụng khác cho đơn vị. Hạn chế theo hợp đồng được coi là đủ mạnh nếu khách hàng có thể sử dụng quyền của mình đối với tài sản đã được cam kết trong trường hợp đơn vị tìm cách sử dụng tài sản đó cho mục đích khác.
Ngược lại, một hạn chế theo hợp đồng không được coi là đủ mạnh nếu, ví dụ, một tài sản có thể được hoán đổi dễ dàng với các tài sản khác mà đơn vị có thể chuyển giao cho một khách hàng khác mà không vi phạm hợp đồng, và không làm phát sinh chi phí đáng kể mà lẽ ra đã không phát sinh cho hợp đồng đó.
Một hạn chế trong thực tế về khả năng đơn vị quyết định việc sử dụng tài sản cho mục đích khác tồn tại nếu đơn vị phải chịu các khoản thiệt hại kinh tế đáng kể khi sử dụng tài sản cho mục đích khác. Một khoản thiệt hại kinh tế đáng kể có thể phát sinh do đơn vị phải chịu chi phí đáng kể để làm lại tài sản, hoặc do đơn vị chỉ có thể bán tài sản với một khoản lỗ đáng kể.
Ví dụ, đơn vị có thể bị hạn chế trong thực tế về việc sử dụng tài sản hoặc có thiết kế đặc thù dành riêng cho một khách hàng, hoặc là được đặt ở các vùng hẻo lánh.
Đơn vị phải xem xét các điều khoản của hợp đồng, cũng như bất kỳ luật nào áp dụng cho hợp đồng, khi đánh giá liệu đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán có hiệu lực thi hành cho phần công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại. Quyền được nhận thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại không nhất thiết phải là một giá trị cố định.
Tuy nhiên, tại mọi thời điểm trong suốt thời hạn của hợp đồng, đơn vị phải có quyền thụ hưởng một khoản thanh toán ít nhất đủ bù đắp cho phần công việc đã hoàn thành tính đến thời điểm hiện tại nếu hợp đồng bị chấm dứt bởi khách hàng hoặc một bên khác mà lý do không phải là đơn vị không thực hiện như đã cam kết.
Đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại nếu đơn vị có quyền thụ hưởng một khoản thanh toán ít nhất đủ bù đắp cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại trong trường hợp khách hàng hoặc một bên khác chấm dứt hợp đồng vì các lý do ngoài lý do đơn vị không thực hiện theo đúng cam kết.
Một khoản thanh toán đủ bù đắp cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại là một khoản xấp xỉ với giá bán của hàng hóa hoặc dịch vụ đã được chuyển giao đến thời điểm hiện tại (ví dụ, khoản thu hồi các chi phí phát sinh bởi đơn vị trong việc hoàn thành nghĩa vụ thực hiện, cộng với một mức lợi nhuận biên hợp lý) chứ không phải chỉ là khoản bù đắp cho khoản tổn thất lợi nhuận có thể có của đơn vị nếu hợp đồng bị chấm dứt.
Phần bù đắp cho khoản lợi nhuận biên hợp lý không nhất thiết phải bằng mức lợi nhuận biên dự kiến trong trường hợp hợp đồng được hoàn thành theo cam kết, nhưng đơn vị phải có quyền thụ hưởng đối với khoản bù đắp theo một trong hai giá trị sau:
- Một phần của lợi nhuận biên dự kiến theo hợp đồng mà phần lợi nhuận đó phản ánh một cách hợp lý mức độ thực hiện nghĩa vụ của đơn vị theo hợp đồng trước khi hợp đồng bị chấm dứt bởi khách hàng (hoặc một bên thứ ba khác); hoặc
- khoản lợi nhuận hợp lý trên chi phí vốn của đơn vị đối với các hợp đồng tương tự (hoặc lợi nhuận biên hoạt động thường có đối với các hợp đồng tương tự) nếu lợi nhuận biên cụ thể của hợp đồng cao hơn khoản lợi nhuận mà đơn vị thường tạo ra từ các hợp đồng tương tự.
Quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại không nhất thiết là một quyền yêu cầu được thanh toán vô điều kiện tại thời điểm hiện tại. Trong nhiều trường hợp, đơn vị chỉ có quyền yêu cầu thanh toán vô điều kiện khi đạt một mốc tiến độ thỏa thuận trước hoặc khi hoàn tất nghĩa vụ thực hiện.
Khi đánh giá liệu đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại hay không, đơn vị phải xem xét liệu đơn vị có quyền hợp pháp được đòi hỏi hoặc giữ lại khoản thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại không nếu hợp đồng bị chấm dứt trước khi hoàn thành vì các lý do ngoài lý do đơn vị không thực hiện theo đúng cam kết.
Trong một số hợp đồng, khách hàng chỉ có quyền chấm dứt hợp đồng tại các thời điểm được quy định trước trong thời hạn của hợp đồng, hoặc khách hàng có thể không có quyền chấm dứt hợp đồng.
Nếu khách hàng chấm dứt hợp đồng khi không có quyền chấm dứt hợp đồng tại thời điểm đó (bao gồm cả khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết), hợp đồng (hoặc các quy định pháp luật khác) có thể trao cho đơn vị quyền tiếp tục chuyển giao cho khách hàng các hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết trong hợp đồng và yêu cầu khách hàng thực hiện khoản thanh toán đã cam kết thông qua việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ đó.
Trong những trường hợp như vậy, đơn vị có quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại vì đơn vị có quyền tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và quyền yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ của họ (bao gồm cả việc thực hiện khoản thanh toán đã cam kết).
Khi đánh giá sự tồn tại và khả năng thực hiện quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành, đơn vị phải xem xét các điều khoản của hợp đồng cũng như bất kỳ quy định pháp luật hay án lệ nào có thể bổ sung cho, hoặc thay thế cho các điều khoản của hợp đồng. Việc này bao gồm đánh giá liệu:
- Quy định pháp luật, thông lệ hành chính hoặc án lệ trao cho đơn vị quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại mặc dù quyền đó không được quy định cụ thể trong hợp đồng với khách hàng;
- Án lệ liên quan chỉ ra rằng trong các hợp đồng tương tự, các quyền yêu cầu thanh toán tương tự cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại không có hiệu lực pháp lý bắt buộc; hoặc
- Thông lệ kinh doanh của đơn vị là lựa chọn không sử dụng quyền yêu cầu thanh toán khiến cho quyền đó trở nên không có hiệu lực thi hành trong môi trường pháp lý đó. Tuy nhiên, cho dù đơn vị có chọn từ bỏ không sử dụng quyền yêu cầu thanh toán trong các hợp đồng tương tự, đơn vị vẫn tiếp tục có quyền yêu cầu thanh toán cho đến thời điểm hiện tại nếu, trong hợp đồng với khách hàng, quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại của đơn vị vẫn có hiệu lực thi hành.
Tiến độ thanh toán quy định trong hợp đồng không nhất thiết thể hiện liệu đơn vị có quyền hợp pháp yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại hay không.
Mặc dù tiến độ thanh toán trong hợp đồng quy định cụ thể thời gian và giá trị của khoản thanh toán mà khách hàng phải trả, tiến độ thanh toán không nhất thiết là bằng chứng về quyền yêu cầu thanh toán cho phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại của đơn vị. Ví dụ, điều này bởi vì hợp đồng có thể quy định rằng khoản thanh toán nhận được từ khách hàng có thể phải hoàn lại vì các lý do ngoài lý do đơn vị không thực hiện đúng theo cam kết trong hợp đồng.
2. Nghĩa vụ thực hiện hoàn thành tại một thời điểm
Nếu một nghĩa vụ thực hiện không được hoàn thành trong một khoảng thời gian, thì đơn vị hoàn thành nghĩa vụ thực hiện đó tại một thời điểm. Để xác định thời điểm mà khách hàng nắm được quyền kiểm soát một tài sản đã cam kết và đơn vị hoàn thành một nghĩa vụ thực hiện, đơn vị phải xem xét các yêu cầu về quyền kiểm soát.
Ngoài ra, đơn vị phải xem xét các dấu hiệu của việc chuyển giao quyền kiểm soát, bao gồm nhưng không giới hạn ở các điểm sau:
Đơn vị có quyền hiện tại yêu cầu thanh toán cho tài sản:
nếu khách hàng đang có nghĩa vụ hiện tại phải thanh toán cho tài sản đó, thì điều đó chỉ ra rằng khách hàng đã có được khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại từ tài sản được trao đổi.
Khách hàng có quyền sở hữu về mặt pháp lý đối với tài sản:
quyền sở hữu về mặt pháp lý có thể chỉ ra đối tác nào trong hợp đồng có khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại từ tài sản, hoặc có khả năng hạn chế sự tiếp cận của các đơn vị khác đối với những lợi ích đó.
Do đó, việc chuyển giao quyền sở hữu về mặt pháp lý của một tài sản có thể chỉ ra rằng khách hàng đã nắm được quyền kiểm soát tài sản đó. Nếu đơn vị giữ lại quyền sở hữu về mặt pháp lý của tài sản chỉ cho mục đích bảo đảm nếu khách hàng không thanh toán, thì các quyền đó của đơn vị không ngăn cản khách hàng có được quyền kiểm soát tài sản.
Đơn vị đã chuyển giao việc nắm giữ vật chất của tài sản:
việc nắm giữ vật chất của khách hàng đối với tài sản có thể chỉ ra rằng khách hàng có khả năng quyết định việc sử dụng và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại của tài sản, hoặc hạn chế sự tiếp cận của các đơn vị khác đối với các lợi ích đó. Tuy nhiên, việc nắm giữ vật chất có thể không đồng nghĩa với quyền kiểm soát tài sản.
Ví dụ, trong một số thỏa thuận mua lại và một số thỏa thuận ký gửi, khách hàng hoặc bên được ký gửi có thể nắm giữ về mặt vật chất của một tài sản mà đơn vị kiểm soát. Ngược lại, trong một số thỏa thuận xuất hóa đơn – chưa giao hàng, đơn vị có thể nắm giữ vật chất của tài sản mà khách hàng kiểm soát.
Khách hàng có rủi ro và lợi ích đáng kể gắn liền với quyền sở hữu tài sản:
việc chuyển giao rủi ro và lợi ích đáng kể gắn liền với quyền sở hữu một tài sản cho khách hàng có thể chỉ ra rằng khách hàng đã có được khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại từ tài sản. Tuy nhiên, khi đánh giá rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu của một tài sản đã cam kết, đơn vị phải loại trừ các rủi ro làm phát sinh một nghĩa vụ thực hiện riêng ngoài nghĩa vụ thực hiện chuyển giao tài sản.
Ví dụ, đơn vị có thể đã chuyển giao quyền kiểm soát một tài sản cho khách hàng nhưng chưa hoàn thành thêm nghĩa vụ thực hiện khác là cung cấp dịch vụ bảo trì liên quan đến tài sản được chuyển giao.
Khách hàng đã chấp nhận tài sản:
việc chấp nhận tài sản của khách hàng có thể chỉ ra rằng khách hàng đã có được khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại từ tài sản.
Một thỏa thuận mua lại là một hợp đồng trong đó đơn vị bán một tài sản đồng thời cam kết hoặc có quyền chọn (hoặc là trong cùng hợp đồng hoặc trong một hợp đồng khác) để mua lại tài sản đó. Tài sản được mua lại có thể là tài sản được bán ban đầu cho khách hàng, một tài sản mà rất giống với tài sản đó, hoặc một tài sản khác mà tài sản được bán ban đầu cho khách hàng là một bộ phận của tài sản đó.
Thỏa thuận mua lại thường có 3 dạng như sau:
- nghĩa vụ mua lại tài sản của đơn vị (một hợp đồng kỳ hạn);
- quyền mua lại tài sản của đơn vị (quyền chọn mua); và
- nghĩa vụ mua lại tài sản của đơn vị khi khách hàng yêu cầu (quyền chọn bán).
Nếu một đơn vị có nghĩa vụ hoặc quyền mua lại tài sản (hợp đồng kỳ hạn hoặc quyền chọn mua), thì khách hàng không có quyền kiểm soát tài sản vì khách hàng bị hạn chế khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ các lợi ích còn lại từ tài sản, ngay cả khi khách hàng có thể có quyền nắm giữ vật chất đối với tài sản. Do đó, đơn vị phải kế toán cho hợp đồng này như một trong hai giao dịch dưới đây:
- một hợp đồng cho thuê tài sản theo IFRS 16 Thuê tài sản nếu đơn vị có thể hoặc bắt buộc phải mua lại tài sản với giá trị thấp hơn giá bán ban đầu của tài sản; trừ khi hợp đồng đó là một phần của một giao dịch bán và tái thuê. Nếu hợp đồng đó là một phần của một giao dịch bán và tái thuê, đơn vị phải tiếp tục ghi nhận tài sản và phải ghi nhận một khoản nợ tài chính cho bất kỳ khoản thanh toán nào nhận được từ khách hàng. Đơn vị phải kế toán cho khoản nợ tài chính đó theo IFRS 9 Công cụ tài chính; hoặc
- một thỏa thuận hỗ trợ tài chính nếu đơn vị có thể hoặc bắt buộc phải mua lại tài sản với một giá trị bằng hoặc lớn hơn giá bán ban đầu của tài sản.
Khi so sánh giá mua lại với giá bán, đơn vị phải xem xét giá trị thời gian của tiền tệ
Nếu thỏa thuận mua lại là một thỏa thuận hỗ trợ tài chính, đơn vị phải tiếp tục ghi nhận tài sản đồng thời ghi nhận một khoản nợ tài chính cho bất kỳ khoản thanh toán nào nhận được từ khách hàng. Đơn vị phải ghi nhận khoản chênh lệch giữa giá trị của khoản thanh toán nhận được từ khách hàng và giá trị của khoản thanh toán phải trả cho khách hàng như là tiền lãi vay và, nếu có thể áp dụng, thì ghi nhận là chi phí xử lý hoặc lưu giữ (ví dụ, bảo hiểm).
Nếu hết thời hạn mà quyền chọn không được thực hiện, đơn vị phải dừng ghi nhận nợ phải trả và ghi nhận doanh thu.
Nếu đơn vị có nghĩa vụ mua lại tài sản theo yêu cầu của khách hàng (quyền chọn bán) với giá thấp hơn giá bán ban đầu của tài sản, đơn vị phải xem xét tại thời điểm bắt đầu hợp đồng liệu khách hàng có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền đó hay không. Việc khách hàng thực hiện quyền đó dẫn đến việc khách hàng phải thực sự thanh toán cho đơn vị một khoản để có quyền sử dụng một tài sản cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.
Do đó, nếu khách hàng có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền đó, thì đơn vị phải kế toán thỏa thuận này như một hợp đồng thuê tài sản theo quy định của IFRS 16, trừ khi hợp đồng đó là một phần của một giao dịch bán và tái thuê. Nếu hợp đồng đó là một phần của một giao dịch bán và tái thuê, đơn vị phải tiếp tục ghi nhận tài sản và ghi nhận khoản nợ tài chính cho bất kỳ khoản thanh toán nào nhận được từ khách hàng. Đơn vị phải kế toán khoản nợ tài chính theo quy định tại IFRS 9.
Để xác định liệu khách hàng có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền của mình hay không, đơn vị phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ giữa giá mua lại với giá trị thị trường dự kiến của tài sản tại ngày mua lại và khoảng thời gian cho đến khi quyền đó hết hạn. Ví dụ, nếu giá mua lại được dự kiến là cao hơn đáng kể so với giá trị thị trường của tài sản, thì điều này có thể chỉ ra rằng khách hàng có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền chọn bán.
Nếu khách hàng không có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền của mình với giá thấp hơn giá bán ban đầu của tài sản, thì đơn vị phải kế toán thỏa thuận này như là giao dịch bán một sản phẩm có quyền trả lại.
Nếu giá mua lại của tài sản bằng hoặc cao hơn giá bán ban đầu và lớn hơn giá trị thị trường dự kiến của tài sản, thì hợp đồng trên thực tế là một thỏa thuận hỗ trợ tài chính, và do đó phải được kế toán như một thỏa thuận hỗ trợ tài chính.
Nếu giá mua lại của tài sản bằng hoặc cao hơn giá bán ban đầu và thấp hơn hoặc bằng giá trị thị trường dự kiến của tài sản, và khách hàng không có động lực đáng kể về mặt kinh tế để thực hiện quyền của mình, thì đơn vị phải kế toán thỏa thuận này như là một giao dịch bán một sản phẩm có quyền trả lại.
Khi so sánh giá bán lại với giá bán, đơn vị phải xem xét giá trị thời gian của tiền tệ.
Nếu hết thời hạn mà quyền chọn không được thực hiện, đơn vị phải dừng ghi nhận khoản nợ phải trả và ghi nhận doanh thu.
Khi đơn vị bàn giao một sản phẩm cho một bên khác (ví dụ như một thương nhân hoặc một đơn vị phân phối) để bán cho người tiêu dùng cuối cùng, đơn vị phải đánh giá liệu bên khác đó có nắm được quyền kiểm soát sản phẩm tại thời điểm đó hay không. Một sản phẩm đã được bàn giao cho một bên khác có thể được nắm giữ theo một thỏa thuận ký gửi nếu bên khác đó chưa nắm được quyền kiểm soát đối với sản phẩm.
Theo đó, đơn vị không được ghi nhận doanh thu khi bàn giao sản phẩm cho một bên khác nếu sản phẩm được bàn giao được nắm giữ trên cơ sở ký gửi.
Các dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận là một thỏa thuận ký gửi bao gồm, nhưng không giới hạn ở các điểm sau:
- sản phẩm được kiểm soát bởi đơn vị cho đến khi một sự kiện đã được quy định xảy ra, như bán sản phẩm cho một khách hàng của thương nhân hoặc cho đến khi một thời hạn đã được quy định kết thúc;
- đơn vị có thể yêu cầu trả lại sản phẩm hoặc chuyển giao sản phẩm cho một bên thứ ba (ví dụ như một thương nhân khác); và
- thương nhân không có nghĩa vụ vô điều kiện phải thanh toán cho sản phẩm (mặc dù họ có thể bị yêu cầu phải thanh toán tiền đặt cọc).
Một thỏa thuận xuất hóa đơn – chưa giao hàng là một hợp đồng mà theo đó, đơn vị xuất hóa đơn cho khách hàng cho một sản phẩm nhưng đơn vị vẫn giữ lại quyền nắm giữ vật chất đối với sản phẩm cho đến khi sản phẩm được chuyển giao cho khách hàng tại một thời điểm trong tương lai. Ví dụ, khách hàng có thể yêu cầu đơn vị tham gia hợp đồng theo hình thức trên vì khách hàng không có không gian sẵn sàng để lưu giữ sản phẩm, hoặc do khách hàng bị chậm kế hoạch sản xuất.
Đơn vị phải xác định thời điểm hoàn thành nghĩa vụ thực hiện chuyển giao sản phẩm của mình bằng cách đánh giá thời điểm khách hàng nắm quyền kiểm soát sản phẩm đó. Đối với một số hợp đồng, quyền kiểm soát được chuyển giao hoặc khi sản phẩm được bàn giao đến địa điểm của khách hàng, hoặc khi sản phẩm được vận chuyển, tùy thuộc vào điều khoản của hợp đồng (bao gồm các điều khoản bàn giao và vận chuyển).
Tuy nhiên, đối với một số hợp đồng, khách hàng có thể nắm quyền kiểm soát sản phẩm mặc dù sản phẩm đó vẫn bị đơn vị nắm giữ vật chất.
Trong trường hợp đó, khách hàng có khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ lợi ích còn lại từ sản phẩm mặc dù khách hàng đã quyết định không thực hiện quyền để nắm giữ vật chất đối với sản phẩm đó. Do đó, đơn vị không kiểm soát sản phẩm. Thay vào đó, đơn vị thực hiện dịch vụ bảo quản tài sản cho khách hàng.
Ngoài việc áp dụng các quy định về , đối với khách hàng đã nắm được quyền kiểm soát sản phẩm theo một thỏa thuận xuất hóa đơn – chưa giao hàng, tất cả các tiêu chí sau phải được thỏa mãn:
- lý do thực hiện thỏa thuận xuất hóa đơn – chưa giao hàng phải hợp lý (ví dụ, khách hàng yêu cầu thỏa thuận đó);
- sản phẩm phải được xác định một cách tách biệt là thuộc về khách hàng;
- sản phẩm hiện phải sẵn sàng để thực hiện chuyển giao vật chất cho khách hàng; và
- đơn vị không có khả năng sử dụng sản phẩm hoặc dùng cho khách hàng khác.
Nếu đơn vị ghi nhận doanh thu cho việc bán sản phẩm trên cơ sở xuất hóa đơn – chưa giao hàng, đơn vị phải xem xét liệu đơn vị còn có các nghĩa vụ thực hiện còn lại (ví dụ, dịch vụ bảo quản) mà đơn vị phải phân bổ một phần giá giao dịch cho nghĩa vụ đó hay không.
Sự chấp nhận của khách hàng đối với một tài sản có thể chỉ ra rằng khách hàng đã nắm quyền kiểm soát tài sản đó. Các điều khoản về sự chấp nhận của khách hàng cho phép khách hàng hủy bỏ hợp đồng hoặc yêu cầu đơn vị có hành động khắc phục nếu một hàng hóa hoặc dịch vụ không đáp ứng quy cách phẩm chất đã thỏa thuận trước. Đơn vị phải xem xét các điều khoản đó khi đánh giá thời điểm khách hàng nắm được quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ.
Nếu đơn vị có thể xác định một cách khách quan rằng quyền kiểm soát một hàng hóa hoặc dịch vụ đã được chuyển giao cho khách hàng theo quy cách phẩm chất đã thỏa thuận trước trong hợp đồng, thì việc chấp nhận của khách hàng chỉ mang tính hình thức, sẽ không ảnh hưởng tới việc đơn vị xác định thời điểm khách hàng nắm được quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ.
Ví dụ, nếu điều khoản chấp nhận của khách hàng được dựa trên việc đáp ứng các đặc điểm về kích cỡ và trọng lượng đã quy định, thì đơn vị có thể xác định được liệu các tiêu chí đó có được thỏa mãn trước khi nhận được xác nhận về sự chấp nhận của khách hàng hay chưa.
Kinh nghiệm của đơn vị với các hợp đồng đối với các hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự có thể cung cấp bằng chứng rằng một hàng hóa hoặc dịch vụ đã được cung cấp cho khách hàng theo đúng quy cách phẩm chất đã thỏa thuận trước trong hợp đồng. Nếu doanh thu được ghi nhận trước khi khách hàng chấp nhận, đơn vị vẫn phải xem xét liệu có nghĩa vụ thực hiện còn lại nào hay không (ví dụ, lắp đặt thiết bị) và đánh giá liệu có kế toán cho các nghĩa vụ thực hiện còn lại đó tách biệt hay không.
Tuy nhiên, nếu đơn vị không thể xác định một cách khách quan rằng một hàng hóa hoặc dịch vụ đã được cung cấp cho khách hàng theo quy cách phẩm chất đã thỏa thuận trước trong hợp đồng, thì đơn vị không thể kết luận được rằng khách hàng đã nắm được quyền kiểm soát cho đến khi đơn vị nhận được sự chấp nhận của khách hàng.
Bởi vì trong hoàn cảnh đó, đơn vị không thể xác định rằng khách hàng có khả năng quyết định việc sử dụng, và có được gần như toàn bộ các lợi ích còn lại từ hàng hóa hoặc dịch vụ đó.
Nếu đơn vị giao sản phẩm cho khách hàng cho mục đích dùng thử hoặc mục đích đánh giá sản phẩm và khách hàng không cam kết thanh toán bất kỳ khoản nào cho đến khi thời gian dùng thử chấm dứt, thì quyền kiểm soát sản phẩm không được chuyển giao cho khách hàng cho đến khi hoặc khách hàng chấp nhận sản phẩm, hoặc thời gian dùng thử chấm dứt.
3. Đo lường tiến độ thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện
Đối với mỗi nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian, đơn vị phải ghi nhận doanh thu trong một khoảng thời gian bằng cách đo lường tiến độ thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện đó. Mục tiêu khi đo lường tiến độ thực hiện là để phản ánh phần công việc đã thực hiện của đơn vị trong việc chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa và dịch vụ đã cam kết cho khách hàng (nghĩa là hoàn thành một nghĩa vụ thực hiện của đơn vị).
Đơn vị phải áp dụng một phương pháp duy nhất để đo lường tiến độ thực hiện đối với mỗi nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian và đơn vị phải áp dụng phương pháp đó một cách nhất quán đối với các nghĩa vụ thực hiện tương tự và trong các tình huống tương tự. Tại thời điểm kết thúc mỗi kỳ báo cáo, đơn vị phải đo lường lại tiến độ thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian.
Các phương pháp đo lường tiến độ thực hiện
Các phương pháp đo lường tiến độ thực hiện thích hợp bao gồm các phương pháp đầu ra và các phương pháp đầu vào. Để quyết định phương pháp thích hợp đo lường tiến độ thực hiện, đơn vị phải xem xét bản chất của hàng hóa hoặc dịch vụ mà đơn vị đã cam kết sẽ chuyển giao cho khách hàng.
Khi áp dụng phương pháp để đo lường tiến độ thực hiện, đơn vị phải loại trừ ra khỏi việc đo lường tiến độ thực hiện bất kỳ hàng hóa hoặc dịch nào mà đơn vị không chuyển giao quyền kiểm soát cho khách hàng. Ngược lại, đơn vị phải bao gồm trong việc đo lường tiến độ thực hiện bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào mà đơn vị chuyển giao quyền kiểm soát cho khách hàng khi hoàn thành nghĩa vụ thực hiện đó.
Bởi vì bối cảnh thay đổi theo thời gian, đơn vị phải cập nhật việc đo lường tiến độ thực hiện của mình để phản ánh bất kỳ sự thay đổi nào về kết quả của nghĩa vụ thực hiện. Các thay đổi về tiến độ thực hiện này của đơn vị phải được kế toán như một thay đổi trong ước tính kế toán theo IAS 8 Các chính sách kế toán, thay đổi ước tính kế toán và các sai sót.
Đo lường hợp lý tiến độ thực hiện
Đơn vị chỉ ghi nhận doanh thu cho một nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian nếu đơn vị có thể đo lường một cách hợp lý tiến độ thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện. Đơn vị không thể đo lường một cách hợp lý tiến độ thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện nếu đơn vị thiếu thông tin tin cậy cần có để áp dụng một phương pháp đo lường tiến độ thực hiện phù hợp.
Trong một số trường hợp (ví dụ, trong các giai đoạn đầu của một hợp đồng), đơn vị có thể không đo lường được một cách hợp lý kết quả của nghĩa vụ thực hiện, nhưng đơn vị dự kiến sẽ thu hồi các chi phí phát sinh để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện đó. Trong các trường hợp đó, đơn vị phải ghi nhận doanh thu chỉ trong phạm vi các chi phí đã phát sinh cho tới một thời điểm mà đơn vị có thể đo lường được một cách hợp lý kết quả của nghĩa vụ thực hiện.
Các phương pháp có thể sử dụng để đo lường tiến độ thực hiện của đơn vị để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện được hoàn thành trong một khoảng thời gian bao gồm các phương pháp sau:
- Các phương pháp đầu ra; và
- Các phương pháp đầu vào.
Các phương pháp đầu ra
Các phương pháp đầu ra ghi nhận doanh thu trên cơ sở đo lường trực tiếp giá trị đối với khách hàng của hàng hóa hoặc dịch vụ đã chuyển giao đến thời điểm hiện tại so với giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ cam kết còn lại theo hợp đồng.
Các phương pháp đầu ra bao gồm các phương pháp như khảo sát phần công việc đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại, đánh giá kết quả đạt được, các mốc hoàn thành đã đạt được, thời gian trôi qua và số lượng sản phẩm đã sản xuất hoặc số lượng sản phẩm đã chuyển giao.
Khi đơn vị đánh giá liệu có áp dụng phương pháp đầu ra để đo lường tiến độ thực hiện hay không, đơn vị phải xem xét liệu yếu tố đầu ra được lựa chọn có phản ánh trung thực phần công việc đã thực hiện của đơn vị để hoàn tất các nghĩa vụ thực hiện hay không.
Một phương pháp đầu ra sẽ không phản ánh trung thực phần công việc đã thực hiện của đơn vị nếu yếu tố đầu ra được lựa chọn không thể đo lường một số hàng hóa hoặc dịch vụ mà quyền kiểm soát đã được chuyển giao cho khách hàng.
Ví dụ, các phương pháp đầu ra dựa trên số lượng sản phẩm đã sản xuất hoặc số lượng sản phẩm đã chuyển giao sẽ không phản ánh trung thực phần công việc đã thực hiện của đơn vị để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện nếu, tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo, phần công việc đã thực hiện của đơn vị đã tạo ra tài sản dở dang hoặc thành phẩm do khách hàng kiểm soát, nhưng đầu ra này không được tính khi sử dụng các phương pháp đầu ra nói trên.
Trong thực tiễn áp dụng, nếu đơn vị có quyền nhận được khoản thanh toán từ khách hàng với giá trị tương ứng trực tiếp với giá trị đối với khách hàng của phần công việc mà đơn vị đã hoàn thành đến thời điểm hiện tại (ví dụ, một hợp đồng dịch vụ, trong đó đơn vị phát hành hóa đơn với một giá xác định cho mỗi giờ dịch vụ đã được thực hiện), đơn vị có thể ghi nhận doanh thu theo giá trị mà đơn vị có quyền phát hành hóa đơn.
Một bất cập của các phương pháp đầu ra là các yếu tố đầu ra được sử dụng để đo lường tiến độ thực hiện có thể không trực tiếp quan sát được và thông tin cần có để áp dụng các phương pháp đó không thể có được với chi phí hợp lý. Do đó, phương pháp đầu vào có thể là cần thiết.
Các phương pháp đầu vào
Các phương pháp đầu vào ghi nhận doanh thu trên cơ sở nỗ lực hoặc yếu tố đầu vào của đơn vị để hoàn thành một nghĩa vụ thực hiện (ví dụ, nguồn lực đã sử dụng, giờ lao động đã sử dụng, chi phí đã phát sinh, thời gian đã trôi qua hoặc giờ chạy máy đã sử dụng) so với tổng số yếu tố đầu vào dự kiến để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện đó.
Nếu nỗ lực hoặc yếu tố đầu vào của đơn vị được sử dụng đều đặn trong suốt thời gian thực hiện, thì việc đơn vị ghi nhận doanh thu theo phương pháp đường thẳng có thể là phù hợp.
Một khiếm khuyết của các phương pháp đầu vào là có thể không có mối quan hệ trực tiếp giữa yếu tố đầu vào của đơn vị và việc chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng. Do đó, đơn vị phải loại trừ khỏi phương pháp đầu vào những ảnh hưởng của bất kỳ yếu tố đầu vào nào mà không phản ánh phần công việc đã thực hiện của đơn vị trong việc chuyển giao quyền kiểm soát hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng, phù hợp với mục đích của việc đo lường tiến độ thực hiện.
Ví dụ, khi sử dụng phương pháp đầu vào dựa vào chi phí, có thể cần điều chỉnh việc đo lường tiến độ thực hiện trong các trường hợp sau:
- Khi một chi phí đã phát sinh không đóng góp vào tiến độ thực hiện để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện của đơn vị. Ví dụ, đơn vị không ghi nhận doanh thu trên cơ sở các chi phí đã phát sinh mà các chi phí này góp phần vào sự kém hiệu quả đáng kể trong phần công việc đã thực hiện của đơn vị mà không được phản ánh vào giá của hợp đồng (ví dụ: các chi phí ngoài dự kiến do lãng phí về nguyên vật liệu, lao động hoặc các nguồn lực khác phát sinh trong quá hoàn thành nghĩa vụ thực hiện).
- Trong trường hợp một chi phí đã phát sinh không tương ứng với tiến độ thực hiện để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện của đơn vị, cách tốt nhất đo lường phần công việc đã hoàn thành của đơn vị có thể là điều chỉnh phương pháp đầu vào để ghi nhận doanh thu chỉ trong phạm vi chi phí đã phát sinh.
- Ví dụ, một cách đo lường trung thực phần công việc đã hoàn thành của đơn vị có thể là ghi nhận doanh thu theo giá trị bằng với giá vốn của hàng hóa được sử dụng để hoàn thành nghĩa vụ thực hiện nếu đơn vị dự kiến tại thời điểm bắt đầu hợp đồng rằng tất cả các điều kiện sau được thỏa mãn:
- hàng hóa là không tách biệt;
- khách hàng được dự kiến có quyền kiểm soát hàng hóa một cách đáng kể trước khi nhận các dịch vụ liên quan đến hàng hóa đó;
- Giá vốn của hàng hóa được chuyển giao là đáng kể so với tổng chi phí dự kiến để hoàn tất nghĩa vụ thực hiện; và
- đơn vị mua hàng hóa từ một bên thứ ba và không tham gia đáng kể vào việc thiết kế và sản xuất hàng hóa (nhưng đơn vị đóng vai trò như một chủ thể theo quy định về khoản thanh toán của chủ thể và đại lý).
Ketoanstartup.com
- Thuật ngữ kế toán trong chuẩn mực IFRS và IAS
- Thuật ngữ kế toán cơ bản
- IFRS 9 – Công cụ tài chính
- IFRS 8 – Bộ phận kinh doanh
- IFRS 7 – Công cụ tài chính: Công bố
- IFRS 6 – Thăm dò và Đánh giá tài nguyên khoáng sản
- IFRS 5 – Tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động bị chấm dứt
- IFRS 4 – Hợp đồng bảo hiểm
- IFRS 3 – Hợp nhất kinh doanh
- IFRS 2 – Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu
- IFRS 16 – Thuê tài sản
- IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng
- IFRS 14 – Các khoản hoãn lại theo luật định
- IFRS 13 – Đo lường giá trị hợp lý
- IFRS 12 – Công bố lợi ích trong đơn vị khác
- IFRS 11 – Thỏa thuận chung
- IFRS 10 – Báo cáo tài chính hợp nhất
- IFRS 1 – Áp dụng lần đầu các chuẩn mực IFRS
- IAS 8 – Chính sách kế toán, thay đổi trong ước tính kế toán và sai sót kế toán
- IAS 7 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- IAS 41 – Nông nghiệp
- IAS 39 – Công cụ tài chính: Ghi nhận và Đo lường
- IAS 38 – Tài sản vô hình
- IAS 36 – Suy giảm giá trị tài sản
- IAS 34 – Báo cáo tài chính giữa niên độ
- IAS 2 – Hàng tồn kho
- IAS 19 – Phúc Lợi Của Người Lao Động
- IAS 16 – Bất động sản, Nhà xưởng và Thiết bị
- IAS 12 – Thuế thu nhập doanh nghiệp
- IAS 10 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ báo cáo
- IAS 1 – Trình bày báo cáo tài chính
- Định nghĩa thuật ngữ kế toán trong chuẩn mực IFRS và IAS
- Bộ khung khái niệm 2018
- Bộ khung khái niệm 2010
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 09: Các loại hợp đồng thuê tài sản – ví dụ minh họa 2
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 08: Các loại hợp đồng thuê tài sản – ví dụ minh họa 1
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 07: Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản – ví dụ minh họa 3
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 06: Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản – ví dụ minh họa 2
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 05: Sửa đổi hợp đồng thuê tài sản – ví dụ minh họa 1
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 04: Đánh giá lại nợ phải trả thuê tài sản
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 03: Xác định thuê tài sản
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 02: Các loại hợp đồng thuê tài sản
- [IFRS 16] Bên thuê – Phần 01: Ghi nhận và xác định giá trị
- [IFRS 15] Hợp đồng – Phần 07: Ví dụ minh họa mô hình 05 bước
- [IFRS 15] Hợp đồng – Phần 06: Hoàn thành các nghĩa vụ thực hiện hợp đồng
- [IFRS 15] Hợp đồng – Phần 05: Chi phí của Hợp đồng
- [IFRS 15] Hỗ trợ sửa chữa và nâng cấp
- [IFRS 15] Hỗ trợ bán hàng
- [IFRS 15] Hàng bán bị trả lại
- [IFRS 15] Doanh thu – Phần 04: Xác định và phân bổ giá giao dịch cho các nghĩa vụ thực hiện hợp đồng
- [IFRS 15] Doanh thu – Phần 03: Cấu phần tài chính
- [IFRS 15] Doanh thu – Phần 02: Sửa đổi hợp đồng
- [IFRS 15] Doanh thu – Phần 01: Mô hình 05 bước xác định doanh thu
- [IFRS 15] Chương trình tích lũy điểm
- [IFRS 14] – Phần 01: Tương tác với các chuẩn mực khác
- [IAS 12] Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại